Pages

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Nhà báo điều tra: BÀI LUẬN CỦA HỌC TRÒ VỀ BÁO CHÍ ĐIỀU TRA

 BÀI LUẬN CỦA HỌC TRÒ VỀ BÁO CHÍ ĐIỀU TRA 

(Bài của một em sinh viên cũ, mình cho điểm 9, vì sự nghiêm túc về quan điểm nghề nghiệp)

Tôi đã từng nghe một nhà báo nói rằng: “Phóng sự có thể là vị trí quyến rũ nhất trong nghề báo”, đúng thật!. 

Và trong suy nghĩ của tôi nếu phóng sự là vị trí quyến rũ nhất thì điều tra lại là vị trí danh giá nhất trong nghề báo. 

Điều tra là thể loại báo chí tổng hợp tất cả các kỹ năng trong nghề báo, cũng có chức năng  quan trọng nhất trong  báo chí ngoài chức năng thông tin. Với những người dân bình thường như ở quê tôi thì người ta coi báo chí điều tra như là đại diện tất cả cho nghề báo, nhắc ta điều tra là người ta nghĩ ngay tới những vụ việc được làm sáng tỏ đem lại công bằng cho người dân. Điều đó chứng tỏ điều tra có sức nặng rất lớn đối với việc đóng góp cho cuộc sống ổn định của người dân. 

Nhưng đối với những người trong nghề, điều tra lại bao gồm vô vàn những khó khăn, những rắc rối liên quan đến câu chuyện tác nghiệp và hậu quả sau đó…

Một khái niệm ngắn gọn về báo chí điều tra mà tôi được học đó là: điều tra là việc tìm tòi, công bố và chịu trách nhiệm về sự công bố một sự thật bị che giấu. Còn theo tôi hiểu điều tra là sự phanh phui, vạch trần, làm rõ một sự việc nào đó còn ẩn khuất hoặc nhiều người biết mà không ai dám lên tiếng, dám đứng lên làm rõ sự việc, thì báo chí điều tra làm nhiệm vụ đó. Người làm báo điều tra sẽ gặp nhiều khó khăn và trở ngại để có những bài viết thành công và những thành tích hoành tráng nhận được. 

Thứ nhất, điều tra đi tìm tòi những sự việc bị che giấu thì bản thân sự việc đó đã khó khai thác thông tin chứ không đơn thuần như tin tức thông thường, chi tiết nào cũng ẩn nấp bên trong đòi hỏi nhà báo điều tra phải tinh ý, quan sát. Làm báo điều tra rất nguy hiểm và gai góc, cho cả nhân vật liên quan đến bài viết, vì tính chất của điều tra phần lớn là những cái xấu, tệ nạn xã hội.

 Nguy hiểm thứ hai cho bản thân nhà báo điều tra chính là thái độ mà nhà báo thể hiện đối với công việc của mình. Phải công nhận rằng nhiều người chọn làm báo cũng vì cái hào quang của báo chí mà rõ nhất chính là điều tra đem tới, nhiều người chọn học môn điều tra cũng vì cái tên nghe tự hào. Bởi người làm điều tra thường có cảm giác như mình là người hùng, mình có quyền lực và quan trọng. Điều đó giết chết nhà báo điều tra, nó gây ra những sai lầm và ảnh hưởng tới chất lượng công việc. Nên khó khăn là ở chỗ nhà báo có kiềm chế được sĩ diện của mình hay không, những ai kênh kiệu và tự phụ thì khó có thể làm báo điều tra, điều tra thử thách lòng yêu nghề của mỗi người làm báo, sự kiên trì trong điều tra sẽ chứng tỏ đam mê tới đâu của những người công tác báo chí, điều đó là khó hơn và quan trọng hơn nhiều so với kỹ thuật điều tra. 

Bởi thế, tôi hiểu lí do vì sao giảng viên môn điều tra của tôi không kiểm tra kỹ thuật khai thác thông tin hay đòi hỏi phải có sản phẩm  mà kiểm tra năng lực đánh giá thông tin chính trị - xã hội, những bài viết thể loại điều tra hay chỗ nào, dở chỗ nào, còn thiếu điều gì… Bởi nếu không nắm bắt thông tin, không có sự phân tích, đánh giá khi đọc báo thì sẽ không trả lời được những câu hỏi của thầy.

Quyền lực của điều tra cũng là quyền lực của báo chí, loại trừ cái xấu và hoàn thiện xã hội. Pháp luật Việt Nam rối rắm, nếu những nhà báo điều tra không tìm hiểu và lên tiếng thì người chịu khổ sở mãi là nhân dân lao động mà nhiều khi chính quyền không biết được. 

Riêng đối với bản thân tôi, điều tra luôn là niềm tự hào và mơ ước với những bài báo, những nhà báo có đóng góp lớn lao và thay đổi một bộ phận trong xã hội. Xã hội luôn có những rối rắm, những bất công cần nhà báo điều tra. 

Quyền lực nhà báo nằm ở sự im lặng và làm việc nhưng mấy ai vượt qua được những sĩ diện về nghề nghiệp và những cám dỗ xung quanh, về tiền bạc trong khi quá trình điều tra lâu dài và thù lao nhận được không đáp ứng được cho nhu cầu cuộc sống. 

Làm điều tra rất khó, nếu không chấp nhận được những điều ấy thì thành quả sinh ra chỉ là những bài báo hời hợt và thiếu trách nhiệm với công chúng. Một bài điều tra đăng lên sẽ gắn với bạn suốt đời, không thể dỡ bỏ nó một lần là xong. Sự việc luôn bất biến và hậu quả sau đó sớm hay muộn thế nào chưa ai biết được. Tôi sẽ phải có nghị lực, có vốn sống và rèn luyện bản thân hơn nữa nếu muốn làm được điều đó, giống như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. 

Là một sinh viên báo chí, chưa từng trải qua quá trình điều tra nhưng những gì học được cho tôi biết rằng làm báo điều tra không hề đơn giản. Tôi ý thức rằng nếu thiếu trách nhiệm, cẩu thả và không yêu nghề thì không những chuốc họa vào thân mà còn gây đau khổ cho người khác. 

Sau này dù đồng lương có thế nào, hoàn cảnh làm việc có ra sao, tôi cũng không ham sự nổi tiếng mà liều lĩnh đi vào điều tra một cách cẩu thả. Cho dù có làm nghề báo chính thức hay nghề gì liên quan đi nữa, tôi cũng làm đúng với bổn phận, không làm thì ban đầu không tham gia, dù người ta có nói.. “à rằng con bé kia chỉ làm mấy việc thường thường chứ có làm điều tra được gì đâu” hay “ nó chưa có đóng góp gì lớn”  tôi cũng không lấy làm buồn phiền bởi bù lại, tôi tự hào vì mình hiểu rõ và ý thức được sự nguy hiểm của con đường điều tra. 

Tuy nhiên, tôi vẫn luôn ước ao có một ngày được đứng tên trong một bài điều tra và có thay đổi tích cực cho xã hội dù chỉ là một phần nhỏ khi được nhắc tới mãi là mong muốn, ước mơ của tôi từ khi bước chân vào học ngành này. Nhà báo điều tra mãi là sự coi trọng và mơ ước của tôi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét