Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

MỘT SỐ YÊU CẦU KHI XÂY DỰNG CHẾ ĐỊNH HỢP ĐỒNG TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ

MỘT SỐ YÊU CẦU KHI XÂY DỰNG CHẾ ĐỊNH HỢP ĐỒNG TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ
PGS-TS. Dương Anh Sơn, Trường đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM

Hợp đồng có vai trò đặc biệt trong đời sống hàng ngày và trong hoạt động kinh doanh thương mại. Chính vì vậy việc xây dựng pháp luật cho hợp đồng cần phải được quan tâm thích đáng bởi lẽ hệ thống pháp luật hợp đồng tốt, hoàn thiện sẽ tạo ra và duy trì trật tự cho lưu thông dân sự, hoạt động thương mại. Tôi cho rằng, pháp luật hợp đồng chỉ có thể hoàn chỉnh, thực sự tốt khi và chỉ khi chúng được xây dựng trên cơ sở đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Trong phạm vi bài viết tôi muốn đề cập đến các yêu cầu đó.
1. Pháp luật hợp đồng cần phải mềm dẻo và uyển chuyển. Pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng cần phải phản ánh được sự thay đổi của xã hội. Trong hàng ngàn năm thực hiện đúng hợp đồng được coi là nguyên tắc nền tảng của việc thực hiện hợp đồng và pháp luật hợp đồng phản ánh trung thực nguyên tắc này. Thật vậy, trong bối cảnh xã hội ít có sự thay đổi thì các quy định của pháp luật hợp đồng cần phải có tính cứng nhắc theo kiểu “bút sa gà chết”. Sự cứng nhắc này đã phát huy được hiệu quả điều chỉnh bởi chúng hạn chế, ngăn chặn được sự không thiện chí, trung thực của một trong các bên của hợp đồng và  đã góp phần tạo lập và giữ được sự ổn định cho lưu thông dân sự, hoạt động kinh doanh thương mại.
Tự do hóa thương mại làm cho thế giới trở nên phẳng hơn và vì vậy các quốc gia bị lệ thuộc vào nhau nhiều hơn và đương nhiên là xã hội có nhiều biến động hơn, cả về biên độ và cả về chu kỳ. Trong bối cảnh đó thì tính cứng nhắc của pháp luật tỏ ra không còn phù hợp, bởi lẽ không những không tạo được sự ổn định cho lưu thông dân sự mà còn trong nhiều trường hợp có thể phá vỡ trật tự này. Chúng tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, để lưu thông dân sự có được sự ổn định, vận hành một cách có trật tự thì pháp luật hợp đồng phải trở nên mềm dẻo, uyển chuyển hơn. Lạt mềm buộc chặt, pháp luật càng mềm dẻo bao nhiêu thì xã hội càng có trật tự bấy nhiêu. Để pháp luật hợp đồng trở nên mềm dẻo, uyển chuyển hơn, theo quan điểm của chúng tôi, chúng phải thỏa mãn những yêu cầu sau đây:
 Thứ nhất, các quy định của pháp luật hợp đồng nên có tính khái quát cao, độ mở phải đủ rộng để có thể giải thích khi áp dụng. Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận, vì vậy bất kỳ sự thỏa thuận nào nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên đều được coi là hợp đồng. Cuộc sống phong phú và đa dạng và pháp luật không thể bao quát hết tất cả mọi vấn đề trong xã hội. Hơn thế nữa pháp luật cũng chỉ có thể quy định chị tiết, cụ thể cho một số trường hợp mà không thể cho tất cả. Mặt khác, tôi cho rằng, cuộc sống hàng ngày, hoạt động kinh doanh thương mại là tập hợp những cuộc chơi (các trò chơi), các chủ thể đồng thời tham gia vào các cuộc chơi khác nhau. Khi các bên tham gia đàm phán ký kết hợp đồng có nghĩa là các bên bắt đầu tham gia cuộc chơi. Một điều có thể nhận thấy là bất kỳ cuộc chơi (trò chơi) nào cũng có quy tắc. Vậy có thể cho rằng, pháp luật hợp đồng chính là quy tắc chung cho mọi cuộc chơi và mỗi khi là quy tắc chung cho mọi cuộc chơi thì không thể và không nên chi tiết và cụ thể mà nên và chỉ nên có tính khái quát. Còn hợp đồng chính là quy tắc cho từng cuộc chơi đơn lẻ, quy tắc này cần phải được xây dựng trên cơ sở quy tắc chung (pháp luật hợp đồng). Vì là quy tắc cho từng cuộc chơi cụ thể nên hợp đồng cần phải chi tiết và cụ thể, có như vậy mới có thể phản ánh được những đặc điểm của từng loại hợp đồng.
Vấn đề nữa là nếu các quy định của pháp luật thiếu tính khái quát và chỉ quy định cụ thể chi tiết cho một số vấn đề thì hậu quả sẽ là: đối với những vấn đề đã được quy định chi tiết và cụ thể thì chúng sẽ được áp dụng một các máy móc, thiếu sự xét đoán, giải thích các quy định đó. Đối với những trường hợp pháp luật chưa quy định (thường là như vậy, bởi như đã nói ở trên, pháp luật không thể bao quát hết mọi vấn đề liên quan đến hợp đồng) thì những chủ thể áp dụng pháp luật sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi lẽ khả năng giải thích pháp luật là rất hạn chế. Tính khái quát của các quy định pháp luật hợp đồng cho phép các bên giải thích hợp đồng tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Tất nhiên để làm được điều này thì cũng cần phải chú ý đến việc nâng cao năng lực giải thích pháp luật của các thẩm phán.
Thứ hai, hạn chế sử dụng các quy phạm mệnh lệnh, gia tăng sử dụng các quy phạm tùy nghi. Xuất phát từ bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận nên cần phải có sự cẩn trọng khi sử dụng các quy phạm mệnh lệnh. Việc sử dụng một cách tùy tiện, thiếu thận trọng các quy phạm mệnh lệnh vô hình chung sẽ hạn chế, can thiệp không cần thiết tự do hợp đồng và điều này dẫn đến việc hạn chế khả năng sáng tạo của các chủ thể. Theo quan điểm của chúng tôi, các quy phạm mệnh lệnh chỉ nên được sử dụng chủ yếu trong phạm vi điều chỉnh hiệu lực của hợp đồng.
Các quy định điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên nên là các quy phạm tùy nghi. Xuất phát từ thực tiễn, rằng chỉ có các bên của hợp đồng mới là người biết rõ ràng nhất, họ cần phải làm gì vì lợi ích của họ trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nào đó. Các nhà làm luật không ở vào vị thế của các bên trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đó nên không thể làm thay các bên. Hợp đồng là sự thỏa thuận vì vậy pháp luật chỉ can thiệp khi các bên không có sự thỏa thuận. Liên quan đến các quy định của pháp luật điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thì chỉ sử dụng quy phạm mệnh lệnh trong một chừng mực nhất định và trong những trường hợp có thể được coi là ngoại lệ. Ví dụ, nhằm để ưu tiên bảo vệ bên yếu thế hoặc ngăn chặn những hành vi cố tình vi phạm hợp đồng.
Thứ ba, như đã được đề cập ở trên, trong bối cảnh xã hội thường xuyên có sự biến động lớn cả về biên độ và chu kỳ thì sự cứng nhắc của pháp luật trong nhiều trường hợp sẽ làm giảm tính hiệu quả của pháp luật hợp đồng. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành thì hợp đồng chỉ có thể được sửa đổi khi và chỉ khi có sự thỏa thuận của các bên (ngoại trừ  ĐIều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm). Điều này có nghĩa là cho dù điều kiện hoàn cảnh có thay đổi như thế nào đi nữa và đến mức có sự khác biệt rất cơ bản với điều kiện, hoàn cảnh tại thời điểm ký kết hợp đồng thì các bên vẫn phải thực hiện hợp đồng nếu không đạt được sử thỏa thuận về sửa đổi hợp đồng. Điều này có nguy cơ phá vỡ trật tự xã hội. Bởi lẽ bên bị thiệt hại quá lớn do sự thay đổi của hoàn cảnh không phải do lỗi của họ mà hoàn toàn do khách quan. Một bên bị thiệt hại thì đương nhiên bên kia sẽ được hưởng lợi. Ở đây bên được hưởng lợi không phải vì sự cố gắng của họ mà là hưởng lợi trên sự thiệt hại của người khác. Đây không phải là phần thưởng vì chẳng có lý do gì để anh ta được thưởng cả, hơn thế nữa anh ta không đáng được nhận khoản lợi ích-phần thưởng đó. Điều này có thể dẫn đến việc bên bị thiệt hại có thể vi phạm hợp đồng-trât tự sẽ bị phá vỡ. Sẽ là công bằng nếu trong những tình huống nói trên bên được hưởng lợi cần phải biết chia sẻ với người bị thiệt hại. Để có thể giải quyết một cách hợp lý tình trạng nói trên, pháp luật nên thiết kế cơ chế bắt buộc các bên phải sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tôi đồng ý với quan điểm, hợp đồng cần phải được tiếp cận theo hướng là một quá trình. 
2. Pháp luật hợp đồng cần phải nhất quán và Bộ luật Dân sự phải có sứ mạng đảm bảo cho sự thống nhất đó. Pháp luật hợp đồng được coi là lĩnh vực pháp luật xuyên suốt cả toàn bộ hệ thống pháp luật của quốc gia. Hợp đồng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, vì vậy đảm bảo tính thống nhất của pháp luật hợp đồng là việc hết sức cần thiết. Bộ luật Dân sư được coi là cơ sở nền tảng của lĩnh vực luật tư, chính vì vậy các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sư phải đảm nhận được vai trò chính yếu, là cơ sở để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật hợp đồng. Đảm bảo sự thống nhất của pháp luật hợp đồng được lý giải bởi việc:i) pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng là thể thống nhất, không phân chia; ii) trong khoa học pháp lý và trong pháp luật cũng như thực tiễn ở các nước phát triển không có sự phân chia tách bạch hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại; iii) đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật cũng như của hoạt động áp dụng pháp luật.
Trước đây, chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 1995 và cả 2005 chưa được coi là đóng vai trò trung tâm của pháp luật hợp đồng, điều này dẫn đến việc là tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các quy định của Bộ luật Dân sự với các quy định liên quan trong các văn bản pháp luật khác: Mâu thuẫn giữa Bộ luật Dân sự với Luật Thương mại, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bảo hiểm…Và để giải quyết những mâu thuẫn đó các nhà làm luật Việt Nam đã sáng tạo những quy định chỉ có trong pháp luật Việt Nam, ví dụ quy định tại khoản 3 ĐIều 1 Luật Thương mại, bắt buộc phải tìm tiêu chí để phân biệt hợp đồng dân sự với hợp đồng thương mại hoặc đưa ra những khái niệm luật chung và luật chuyên ngành, hoặc trong hệ thống tòa án thì có tòa dân sự và tòa kinh tế.
Chúng tôi cho rằng, quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại 2005 được hiểu là các bên trong hợp đồng có quyền chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Chọn luật cho hợp đồng chỉ tồn tại trong hợp đồng thương mại quốc tế. Hợp đồng được ký kết và thực hiện trên lãnh thổ của một quốc gia, giữa các chủ thể cùng thực hiện hoạt động trên lãnh thổ của một quốc gia thì vấn đề chọn luật áp dụng cho hợp đồng không thể được đặt ra.
Có thể thể phân biệt được hợp đồng dân sự với hợp đồng thương mại hay không? Câu trả lời rằng, trong nhiều trường hợp là không thể. Có lẽ chỉ có trong khoa học pháp lý Việt Nam mới có các thuật ngữ “Hợp đồng dân sự” và “hợp đồng thương mại”. Ở các nước phát triển, việc phân chia hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại chỉ mang tính ước lệ và chỉ là câu chuyện của khoa học pháp lý, còn thực tiễn và pháp luật thì không có sự phân chia. Điều này được lý giải bởi việc pháp luật hợp đồng của họ có mức độ thống nhất cao.
Mọi hoạt động kinh tế đều chịu chi phí giao dịch . Nhiệm vụ của pháp luật, của kinh tế học, của quản trị học là tìm mọi cách để giảm chi phí giao dịch. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chi phí giao dịch là pháp luật. Các lý thuyết của kinh tế học đã chỉ ra rằng, pháp luật càng rõ ràng, mức độ thống nhất càng cao thì chi phí giao dịch càng thấp. Ngoài ra, tính rõ ràng và thống nhất của pháp luật nói chung và pháp luật hợp đồng nói riêng sẽ làm cho cá nhân, tổ chức và các nhà đầu tư hạn chế được rủi ro, bởi lẽ họ có thể dự đoán được có những rủi ro gì đang chờ họ và sẽ có cách khắc phục.
Chính vì những lý do nói trên nên khi xây dựng Bộ luật Dân sự cần tuyên bố một cách rõ ràng rằng, các quy định về hợp đồng trong các văn bản pháp luật khác không được trái với quy định của Bộ luật Dân sự mà chỉ có thể cụ thể hóa chúng mà thôi. Về vấn đề này chúng ta có thể tham khảo Bộ luật Dân sự của một số quốc gia. Ví dụ, Bộ luật Dân sự Liên Bang Nga, một cách khái quát đề cập đến các loại hợp đồng (ở Việt Nam một phần các hợp đồng này được quy định trong Bộ luật Dân sư 2005, một phần được quy định trong Luật Thương mại 2005). Ở Việt Nam chúng ta hiện nay có nhiều loại hợp đồng được quy định trong Luật Thương mại có bản chất giống với hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sư (mua bán hàng hóa  và mua bán tài sản, hợp đồng đại diện cho thương nhân với hợp đồng ủy quyền, hợp đồng thuê hàng hóa với hợp đồng thuê tài sản, gia công trong thương mại với hợp đồng gia công…). Chúng tôi cho rằng, sự lặp lại nói trên là không cần thiết,  và vấn đề trở nên rắc hơn khi có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa chúng.
3. Tôn trọng tự do hợp đồng đúng chỗ và giới hạn tự do hợp đồng cũng đúng chỗ là yêu cầu quan trọng đối với pháp luật hợp đồng. Về nguyên tắc, tự do hợp đồng phải là nguyên tắc nền tảng của pháp luật hợp đồng và giới hạn tự do hợp đồng được coi là ngoại lệ của nguyên tắc đó. Và mỗi khi là ngoại lệ thì khi giới hạn tự do hợp đồng cần thiết phải giải thích, Như đã đề cập ở trên, pháp luật hợp đồng cần phải mềm dẻo và uyển chuyển. Để đạt được điều này thì các quy định mang tính mệnh lệnh chỉ được sử dụng ở mức tối thiểu, khi điều chỉnh những vấn đề thật cần thiết. Tôn trọng tự do hợp đồng có nghĩa là hạn chế các quy định có tính mệnh lệnh   và đây cũng được coi là điều kiện tiên quyết khuyến khích sự sáng tạo của các chủ thể.
Nếu nói rằng, bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận, thì triết lý của pháp luật hợp đồng chính là sự giới hạn tự do hợp đồng. Như vậy một mặt cần phải tôn trọng tự do hợp đồng, mặt khác cần phải giới hạn tự do này. Về nguyên tắc các bên trong hợp đồng có địa vị pháp lý bình đẳng, tuy nhiên trong thực tế điều này ít xảy ra. Sự không bình đẳng này có thể xuất phát từ nhận thức, mức độ kinh nghiệm hay sự hiểu biết của các bên về hợp đồng, đối tượng hợp đồng cụ thể, mức độ sở hữu thông tin không giống nhau. Trong thực tế, bên có kinh nghiệm hơn, mạnh hơn, nắm giữ thông tin nhiều hơn thường đưa vào hợp đồng các điều khoản bất lợi cho bên kia-những điều khoản mà ở các nước văn minh được biết đến dưới tên gọi-điều khoản hợp đồng không công bằng.
Thật vậy, không thể có sự bình đẳng thực tế giữa công ty kinh doanh bảo hiểm với khách hàng, giữa ngân hàng với người vay, giữa thương nhân chuyên nghiệp với người tiêu dùng…Theo lẽ tự nhiên, kẻ mạnh luôn sử dụng sức mạnh và nguy hiểm hơn là luôn có xu hướng làm dụng sức mạnh họ. Việc làm dụng đó chỉ có thể được hạn chế bằng pháp luật nhằm tạo sự bình đẳng tương đối giữa các chủ thể. Vì lý do trên nên tôi cho rằng, trong Bộ luật Dân sự cần phải có những quy định cho phép giám sát các điều khoản không công bằng.  Trong bộ Luật Dân sự 2005 có nhiều quy định nên là quy phạm tùy nghi, tuy nhiên chúng lại được thiết kế dưới dạng quy phạm mệnh lệnh, ví dụ, thời điểm quyền sở hữu đối với tài sản là động sản có đăng ký quyền sở hữu được chuyển từ người bán sang người được quy định tại Điều 439 BLDS 2005.
4. Một trong những yêu cầu quan trọng của pháp luật hợp đồng là phải phù hợp với thực tiễn. Quy luật tồn tại khách quan và pháp luật nói chung, pháp luật hợp đồng nói riêng phải phản ánh được quy luật đó. Thực tiễn chính là nếp nghĩ, thói quen hàng ngày của người dân bình thường và pháp luật phù hợp với suy nghĩ, thể hiện được thói quen đó. Khi pháp luật phù hợp với thực tiễn thì việc hiểu chúng, giải thích chúng trở nên dễ dàng hơn và vì vậy chúng đi vào cuộc sống cũng tự nhiên hơn. Thật vậy, cuộc sống tự nó hiện hữu và phát triển bởi chính nhu cầu trao đổi vật chất giữa các chủ thể thông qua công cụ pháp lý là hợp đồng. Vì hợp đồng là công cụ pháp lý mà bất kỳ người nào cũng có thể sử dụng được nên các quy định của pháp luật hợp đồng cần phải được xây dựng như thế nào đó để không những các luật gia mà đa số người dân, cho dù không học luật cũng có thể hiểu được. Muốn vậy chúng phải đơn giản và gần gũi với suy nghĩ, thói quen hàng ngày của người dân. Quy định của phải luật hợp đồng không những phải hiểu được mà còn cần phải giải thích được, có nghĩa là khi ai đó đặt câu hỏi, tại sao pháp luật quy định như vậy thì không những người làm luật, người áp dụng pháp luật phải giải thích được cho họ.
Trong Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện hành và trong nhiều văn bản pháp luật khác có nhiều quy định không đáp ứng được yêu cầu nói trên. Ví dụ Điều 523 quy định, tất cả những vật không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản. Rõ ràng quy định này là trái thực tiễn. Ở Việt Nam, từ ngàn đời nay người dân vẫn thướng nói mượn gạo, mượn thóc, mượn tiền, chẳng nhẽ pháp luật cho rằng, họ sai? Hoặc, khi ông A mua xe hơi, khi đưa ra khỏi cửa hàng, tất cả mọi người dân bình thường đều cho rằng, chiếc xe đó là của ông A, có nghĩa là thuộc sở hữu của ông A. Đó là cách nghĩ thông thường của người dân bình thường.  Duy chỉ có các nhà làm luật, các luật gia nói rằng, chiếc xe đó vẫn chưa thuộc quyền sở hữu của ông A, bởi lẽ theo quy định tại khoản 2 Điều 439 BLDS 2005, Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó.
5. Cần phải thừa nhận các học thuyết pháp lý là nguồn của pháp luật hợp đồng. Đời sống dân sự luôn phóng phú và đa dạng và pháp luật dân sự không thể bao quát hết toàn bộ. Đối với hợp đồng cũng tương tự. Không một ai có thể biết được có bao nhiêu loại hợp đồng đang và sẽ được sử dụng bởi lẽ hợp đồng là sự thỏa thuận. Bất kỳ thỏa thuận nào làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt nghĩa vụ dân sự đều được coi là hợp đồng. Như vậy sẽ có nhiều trường hợp pháp luật chưa có sự điều chỉnh một hay một số nội dung nào đó. Điều này là đương nhiên bởi lẽ pháp luật thường đi sau cuộc sống.
 Ở các quốc gia văn minh, khiếm khuyết, thiếu sót của pháp luật sẽ được bổ sung bằng các nguyên tắc chung của luật và các học thuyết pháp lý. Trong khi đó ở Việt Nam, khi rơi vào những tình thế đó các tóa án cấp dưới sẽ buộc phải chờ hướng dân của tòa án cấp trên. Điều này sẽ làm cho hoạt động xét xử trở nên kém linh hoạt và hạn chế tính độc lập của thẩm phán. Chúng ta đang từng bước trong việc thừa nhận án lệ, và chúng tôi cho rằng, việc thừa nhận án lệ không thể tách rời khỏi việc coi học thuyết pháp lý là nguồn của luật. Học thuyết pháp lý là nguyên liệu đầu vào và án lệ là sản phẩm đầu ra của hoạt động áp dụng pháp luật. Chúng tôi cho rằng, khí xây dựng Bộ luật Dân sự sửa đổi, liên quan đến phần hợp đồng nên có một tuyên bố rõ ràng rằng, học thuyết pháp lý cần được coi là nguồn nguồn của luật. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học pháp lý.  Hơn nữa việc coi học thuyết pháp lý là nguồn của luật sẽ góp phần nâng cao năng lực tranh tụng của các chủ thể tham gia tố tụng tại phiên tòa và đương nhiên năng lực của thẩm phán cũng vì vậy mà được cải thiện.
6. Phù hợp với thông lệ quốc tế và tương thích với pháp luật quốc tế cũng là yêu cầu quan trọng đối với pháp luật hợp đồng của VIệt Nam. Có thể nhận thấy rằng, các lĩnh vực pháp luật trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia thường bị giới hạn bởi phạm vi không gian áp dụng. Trong khi đó pháp luật hợp đồng hoàn toàn không bị giới hạn bởi phạm vi không gian áp dụng. Theo các quy tắc của tư pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam hoàn toàn có thể được áp dụng ở nước ngoài trong trường hợp các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế. Trong các hợp đồng thương mại quốc tế giữa một bên là doanh nghiệp Việt Nam và bên kia là công ty nước ngoài thì sự khác nhau về tư duy pháp lý càng lớn thì việc đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng càng trở nên khó khăn và thường bị kéo dài.  Điều này không những làm giảm tính hiệu quả mà trong nhiều trường hợp có thể làm mất cơ hội kinh doanh của các chủ thể.
Khi so sánh pháp luật hợp đồng của Việt Nam với pháp luật hợp đồng của các nước văn minh (những quốc gia này là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam) nhận thầy rằng, còn có sự khác biệt khá lớn. Có nhiều hành vi theo pháp luật của những nước đó bị coi là vi phạm hợp đồng, còn theo pháp luật Việt Nam thì hành vi đó hoàn toàn không trái luật. Điều này có thể mang lại nhiều rủi roc ho các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy những nội dung cơ bản như: vi phạm hợp đồng khi chưa tới hạn thực hiện nghĩa vụ, nội dung hiwpj đồng cần phải được thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của hoàn cảnh, các quy định về mức phạt hợp đồng …cần phải được tiếp nhận một cách hợp lý và nên được thể hiện trong Bộ luật Dân sự.
Kết luận: Từ những phân tích ở trên, tôi cho rằng,  để có một hệ thống pháp luật hợp đồng tương đối hoàn thiện, các quy định cụ thể của pháp luật về hợp đồng cần phải được thiết kế, xây dựng triệt để tuân thủ các yêu cầu nói trên- là những yêu cầu có tính định hướng, cơ sở. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét