Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

BẢO LƯU QUYỀN SỞ HỮU VÀ HIỆU LỰC ĐỐI KHÁNG VỚI NGƯỜI THỨ BA *PGS.TS Dương Anh Sơn

BẢO LƯU QUYỀN SỞ HỮU VÀ
HIỆU LỰC ĐỐI KHÁNG VỚI NGƯỜI THỨ BA
                                                                 *PGS.TS  Dương Anh Sơn
Tóm tắt: Bảo lưu quyền sở hữu với tư cách là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, là một trong những nội dung mới được đưa vào BLDS 2015. Trong bài viết này tác giả phân tích một số nội dung liên quan đến vấn đề bảo lưu quyền sở hữu nói trên như: tính thống nhất của các quy định pháp luật về biện pháp này, bảo lưu quyền sở hữu có nên là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hay chỉ nên là điều khoản trong hợp đồng do các bên thoả thuận, việc áp dụng biện pháp bảo đảm này có thể gặp phải những khó khăn gì trên thực tế. Bài viết cũng phân tích tính khả thi của các quy định của pháp luật liên quan đến bảo lưu quyền sở hữu. Đặc biệt bài viết đề cập đến vấn đề, hiệu lực đối kháng với người thứ ba khi biện pháp bảo lưu quyền sở hữu được đăng ký nên là quyền truy đòi hay quyền ưu tiên thanh toán. Trên cơ sở phân tích những vấn đề nói trên bài viết đưa ra một số đề xuất thể hiện quan điểm của tác giả.
Abstract: Retention of ownership as a measure to secure the performance of obligations is one of the new contents incorporated in the Civil Code of 2015. In this article, the author analyzes some of the issues related to retention of ownership as mentioned above: the consistency of laws and regulations on this measure, whether retention of ownership should be a legislated measure for securing the performance of obligations or only be a clause in a contract agreed upon by the parties, some difficulties that the application of this measure may face in practice. The paper also analyzes the feasibility of the provisions of the law relating to the retention of ownership. In particular, the article deals with the opposing effect to the third party when the retention of ownership is registered as a right to claim or payment priority right. Based on the analysis of the issues mentioned above, the article offers a number of suggestions expressing the views of the author.
Dẫn nhập: Vừa mới có hiệu lực chưa lâu vì vậy có lẽ BLDS 2015 được áp dụng để giải quyết trách chấp chưa nhiều. Các nhà làm luật cũng như toàn xã hội đặt nhiều kỳ vọng vào BLDS 2015 này vì nhiều người có tham vọng đối với lần sửa đổi này là tiếp cận gần nhất với thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN và đừng để Bộ luật lớn như thế này mà cứ 10 năm phải sửa một lần .
Có thể nhận thấy BLDS 2015 khắc phuc được  nhiều hạn chế của BLDS năm 2005 về tài sản và các quyền tài sản, về hợp đồng, về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ… Nhiều quy định mới lần đầu tiên được tìm thấy sự thể hiện trong pháp luật Việt Nam. Một trong số những điểm mới đó là bảo lưu quyền sở hữu tài sản với tư cách là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Mặc dù mới đưa vào BLDS tuy nhiên các quy định của BLDS liên quan đến bảo lưu quyền sở hữu đã gây tranh cãi trong khoa học pháp lý.
1. Bảo lưu quyền sở hữu: Theo quy định tại Điều 331 BLDS 2015, trong hợp đồng mua bán tài sản, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ. Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán. Và bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm này tại Trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm. Có ý kiến cho rằng, quy định như vậy là đảm bảo hài hoà lợi ích của bên bán và bên mua  .
Theo pháp luật của nhiều nước thì bảo lưu quyền sở hữu chỉ có thể khi thoả mãn hai điều kiện cần và đủ: thứ nhất, trong hợp đồng mua bán người bán đồng ý cho người mua trả chậm; và thứ hai, bảo lưu quyền sở hữu phải được các bên thoả thuận trong hợp đồng. Trong khi đó, pháp luật của Việt Nam có vẻ không nhất quán trong vấn đề này. Mặc dù, không trực tiếp nhưng khoản 2 Điều 331 BLDS một cách gián tiếp đã quy định rằng, bảo lưu quyền sở hữu chỉ có thể khi và chỉ khi có sự thoả thuận của các bên hoặc là trong hợp đồng, hoặc trong một văn bản riêng biệt. Trong khi đó theo quy định tại Khoản 1, Điều 453 BLDS 2015, các bên có thể thoả thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Từ quy định của Điều 331 BLDS 2015, có thể mặc nhiên hiểu rằng, người bán chỉ có thể có quyền bảo lưu quyền sở hữu trong khoảng thời gian người mua chưa thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán cho người bán. Và bảo lưu quyền sở hữu sẽ chấm dứt tại thời điểm nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong.  Điều này cũng có nghĩa là trong trường hợp người mua thực hiện nghĩa vụ thanh toán trước hoặc vào thời điểm nhận hàng thì người bán không có quyền bảo lưu quyền sở hữu. Như vậy chúng ta có thể thấy, bối cảnh trong đó người bán bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản theo Điều 331 và Điều 453 BLDS 2015 là giống nhau – người mua chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho người bán. Người mua chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán có nghĩa là người mua được phép trả chậm. Tuy nhiên căn cứ phát sinh bảo lưu quyền sở hữu lại khác nhau: có thoả thuận theo Điều 331 và mặc nhiên theo Điều 453. Rõ hơn thì có thể nói rằng, theo quy định tại Điều 453 BLDS 2015, điều kiện cần và đủ để người bán bảo lưu quyền sở hữu là người mua chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán (trả chậm, trả dần), trong khi đó đây mới chỉ là điều kiện cần để người bán bảo lưu quyền sở hữu theo điều 331, còn điều kiện đủ là phải có thoả thuận của các bên.
Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dẫn sự. Theo quy định tại Điều 453 BLDS 2015, trong hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần bảo lưu quyền sở hữu luôn là bắt buộc không phụ thuộc vào việc các bên có thoả thuận trong hợp đồng hay không, và người bán không có quyền bào lưu quyền sở hữu nếu các bên có thoả thuận về điều đó trong hợp đồng. Ở đây pháp luật đã một cách vô cớ áp đặt ý chí của mình cho người mua. Theo nguyên tắc, pháp luật chỉ có thể áp đặt ý chí của họ cho các bên trong hợp đồng chỉ trong một số trường hợp ngoại lệ khi phải bảo về lợi ích của nhà nước, của xã hội hoặc của người thứ ba. Trong hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần tôi thấy việc người bán không bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản hoàn toàn không gây thiệt hại cho bất kỳ người nào khác. Một điều kỳ lạ trong quy định này nữa là, một mặt mặc nhiên trao cho người bán quyền bảo lưu quyền sở hữu mặt khác lại cho phép các bên thoả thuận việc người bán không có quyền này.
Từ những phân tích và lập luận ở trên tôi cho rằng, quy định tại Điều 453 BLDS 2015 không những mâu thuẫn với Điều 331BLDS 2015 mà còn trái thực tiễn và thiếu tính khả thi.
2. Quyền đòi lại tài sản: Theo quy định tại Điều 332 BLDS 2015, trong trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 Nếu người mua vẫn đang chiếm giữ tài sản và tài sản vẫn còn duy trì tình trạng ban đầu thì việc đòi lại tài sản là việc đơn giản. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều khi hàng hoá nguyên gốc không còn do hành vi sáp nhập, trộn lẫn hay chế biến của người thậm chí tạo thành sản phẩm mới cùng với nguyên vật liệu của người khác . Trong những trường hợp này thì quyền đòi lại tài sản được thực hiện như thế nào? Xem ra pháp luật Việt Nam chưa chuẩn bị các khả năng có thể để giải quyết các tình huống nói trên.
Nếu quyền đòi lại tài sản bao gồm không những đòi lại tài sản nguyên trạng mà còn cả quyền đòi lại giá trị của tài sản thì bảo lưu quyền sở hữu không còn được coi là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà chỉ là điều khoản do các bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán tài sản.
Một vấn đề cũng cần phải được xem xét, là giả thiết nếu trong hợp đồng không có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu và pháp luật không điều chỉnh vấn đề này thì người bán có quyền đòi lại tài sản đã bán khi người mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hay không?
Theo quy định tại Điều 425 BLDS 2005, một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định, khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền, và bên có lỗi trong việc hợp đồng bị huỷ bỏ phải bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp không có thoả thuận vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ hợp đồng BLDS quy định một số trương hợp cho phép người mua được huỷ hợp đồng và yêu cầy bồi thường thiệt hại.  Trong khi đó không có quy định nào của BLDS năm 2005 và cả LTM 2005 cho phép người bán huỷ bỏ hợp đồng khi người mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nếu các bên không có thoả thuận khác. Tôi cho rằng, đó là một trong những bất cập của BLDS 2005 và LTM 2005. Có lẽ để khắc phục bất cập nói trên vấn đề bảo lưu quyền sở hữu được đưa vào Điều 461-mua trả chậm, mua trả dần nhằm bảo vệ người bán tốt hơn.
Như vậy theo BLDS 2005, ngay cả khi không có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu thì người bán vẫn có quyền đòi lại tài sản bằng cách huỷ hợp đồng nếu người mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán là điều kiện huỷ hợp đồng.
Vấn đề tiếp theo, chúng ta giả thiết là không có quyền đòi lại tài sản theo quy định tại Điều 332 BLDS 2015, thì trong trường hợp người mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho người bán theo hợp đồng mua bán tài sản và trong hợp đồng này không có thoả thuận bảo lưu quyền sở hữu thì người bán có quyền đòi lại tài sản hay không. Có thể nói rằng, người mua không thanh toán cho người bán có nghĩa là người mua đã vi phạm hợp đồng và khi việc sự vi phạm này rơi vào tình huống được quy định tại Điều 424 BLDS 2015 thì người bán có quyền huỷ hợp đồng.
Thật vậy, theo quy định tại Điều 424 BLDS 2015, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể huỷ bỏ hợp đồng . Khi hợp đồng bị huỷ, theo quy định tại Điều 427 BLDS 2015 thì: i) hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp; ii) Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản, việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả; và iii) Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường. Quy định này của pháp luật được áp dụng cho cả những trường hợp người mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng.
Từ những phân tích ở trên có thể thấy rằng, cho dù không có quy định đòi lại tài sản theo Điều 332 BLDS 2015 thì người bán vẫn có quyền đòi lại tài sản theo Điều 424 và Điều 427 BLDS 2015.
Vậy vấn đề cần phải được xem xét là việc đòi lại tài sản khi bảo lưu quyền sở hữu theo quy đinh tại Điều 332 và việc hoàn trả lại tài sản trong trường hợp hợp đồng bị huỷ theo quy định tại Điều 427 BLDS 2015 có gì khác nhau? Về vấn đề này pháp luật còn để ngỏ. Theo quan điểm của tôi thì pháp luật cần có cơ chế cho phép người bán đòi lại tài sản được bảo lưu quyền sở hữu nhanh chóng, linh hoạt và chắc chắn hơn so với yêu cầu hoàn trả lại tài sản trong trường hợp hợp đồng bị huỷ.
3. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba: quyền truy đòi tài sản hay quyền ưu tiên. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba được coi là quy định mới trong BLDS 2015 và về thực chất có ý nghĩa tương đồng với “có giá trị pháp lý đối với người thứ ba”  theo quy định tại khoản 3 Điều 323 BLDS 2005., hiệu lực đối kháng với người thứ ba được hiểu là: i) người nhận bảo đảm  được ưu tiên thanh toán trước so với các chủ nợ khác; theo quy định tại Điều 308 BLDS 2015; ii) người có quyền (người bán) có quyền truy đòi tài sản từ người thứ 3 đang chiếm giữ tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 297 BLDS 2015. Trong phạm vi bài viết tác giả không đề cập đến quyền ưu tiên thanh toán mà chỉ đi sâu phân tích quyền truy đòi. cần phải nghĩa vụ tôn trọng, ví dụ quyền của các bên đối với tài sản bảo đảm.
Có ý kiến cho rằng, “quyền truy đòi” nêu trên của BLDS 2015 có ý nghĩa tương đồng với “trả lại tài sản” của bên nhận cầm cố đối với trường hợp tài sản bị người khác chiếm giữ của BLDS 2005 . Tôi cho rằng, quyền truy đòi và quyền yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản theo Khoản 1 Điều 314 BLDS 2015, quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo Khoản 5 Điều 323 BLDS 2015, quyền đòi lại tài sản theo Điều 332 BLDS 2015, là không giống nhau. Bên có quyền thực hiện quyền truy đòi khi họ không thể đòi lại tài sản từ các chủ thể nói trên vì tài sản đã được họ chuyển giao cho người thứ ba khác.
Đối với các biện pháp cầm cố và thế chấp thì bên cầm cố hoặc bên thế chấp khó có thể chuyển nhượng tài sản thế chấp cho người thứ ba vì việc chuyển nhượng này đã bị ngăn cản bởi việc đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc tài sản đã bị chiếm giữ. Nếu là cầm cố động sản thì bên nhận cầm cố đang chiếm giữ tài sản nên vấn đề truy đòi không được đặt ra mà chỉ có thể là quyền đòi lại tài sản từ người chiếm giữ trái pháp luật. Nếu tài sản cầm cố (là động sản) hoặc thế chấp là bất động sản (cả thế chấp động sản) thì bên cầm cố và bên thế chấp không thể chuyển nhượng tài sản đó một cách hợp pháp cho người thứ ba và nếu có chuyển nhượng thì là chuyển nhượng bất hợp pháp và trong những trường hợp này bên nhận cầm cố hoặc bên nhận thế chấp có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu mà không phải thực hiện quyền truy đòi. Trong trường hợp thế chấp động sản, bên nhận thế chấp có thể cho phép bên thế chấp bán tài sản thế chấp và có quyền theo đuổi (cũng có thể gọi là quyền truy đòi) tài sản đó (hoặc giá trị tài sản).
Như vậy, quyền truy đòi được thực hiện khi không thể đòi lại tài sản từ chủ thể có nghĩa vụ (bên chế chấp động sản có quyền bán động sản đó và người mua tài sản được bảo lưu quyền sở hữu) vì tài sản đã được chuyển giao hợp pháp cho người thứ ba. Hay nói cách khác là người bán thực hiện quyền truy đòi tài sản khi có đủ các điều kiện cần và đủ: điều kiện cần là trong hợp đồng có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu và biện pháp bảo đảm này đã được đăng ký; điều kiện đủ là người mua không còn chiếm giữ tài sản sản mua bán được bảo lưu quyền sở hữu và tài sản đã được người mua bán cho người thứ ba.
Việc thực hiện quyền truy đòi tài sản từ khách hàng của người mua sẽ gặp những khó khăn nào, có thể gây ra những rủi ro và tạo ra những hệ luỵ gì?
Để hiểu rõ hơn quyền truy đòi tài sản của người bán, chúng ta xem xét ví dụ sau đây. Ông A bán tài sản cho ông B và trong hợp đồng này ông A cho phép ông B trả chậm (tương tự mua trả chậm, trả dần). Cũng trong hợp đồng này có điều khoản bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản đó của ông A. Biện pháp bảo đảm này được đăng ký. Sau khi nhận tài sản từ ông A, ông B bán tài sản đó cho ông C. Đến thời hạn ông B không  thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho ông A. Theo quy định tại Điều 332 ông A có quyền đòi lại tài sản từ ông B, nhưng vì tài sản đã được ông B bán cho ông C. Vì không đòi lại được tài sản từ ông B nên ông A có quyền truy đòi tài sản từ ông C. Như phân tích ở trên, việc ông A đòi tại tài sản từ ông B đã là vấn đề phức tạp thì việc ông A truy đòi tài sản từ ông C lại càng phức tạp hơn.
Thực tiễn hoạt đồng thương mại cho thấy rằng, người mua mua hàng hoá không phải để thoả mãn nhu cầu cuộc sống mà thường là nhằm mục địch kiếm lời. Vì vậy sau khi nhận hàng từ người bán họ không giữ lại mà chuyển nhượng cho những người mua khác. Và đây cũng là điều mà các nhà làm luật có nghĩ đến, có dự liệu trước.
 Việc thực hiện quyền truy đòi tài sản sẽ gặp những vấn đề phức tạp sau đây:
Thứ nhất, tài sản đã được chuyển giao một cách hợp pháp qua nhiều người, ví dụ, A bán cho B và A bảo lưu quyền sở hữu, B bán cho C, C bán cho D…Trong trường hợp này người bán truy đòi tài sản từ ai trong số những người nói trên và như thế nào?
Thứ hai, sau khi mua tài sản được bảo lưu quyền sở hữu người mua bán lại cho nhiều khách hàng và không loại trừ các khách hàng của người mua đã chuyển nhượng tài sản cho những người khác. Trong trường hợp này người bán khó có thể xác định được hết khách hàng của người mua, những người đã mua tài sản là đối tượng bảo lưu quyền sở hữu. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi tài sản đó là động sản và hàng đồng loại.
Thứ ba, tài sản được bảo lưu đã được khách hàng của người mua trộn lẫn với các loại tài sản khác thành tài sản chung hợp nhất. Trong trường hợp này việc truy đòi chính tài sản là đối tượng của bảo lưu quyền sở hữu là không thể mà chỉ có thể truy đòi giá trị của phần tài sản đó. Việc này cũng không thể được thực hiện dễ dàng. Ai sẽ là người xác định tỉ lệ? Ai sẽ bỏ chi phí để thuê giám định? Dưới góc độ kinh tế học thì chi phí giao dịch có thể khá cao và điều này làm giảm đáng kể hiệu quả của giao dịch.
Ngoài những khó khăn khi thực hiện quyền truy đòi tài sản được đề cập ở trên, việc pháp luật cho phép người bán quyền truy đòi tài sản khi người mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán có thể mang lại rủi ro cho người thứ ba – là khách hàng của người mua. Trong ví dụ nói trên, nếu hàng hoá vẫn nguyên trạng và không thuộc một trong ba tình huống được thảo luận ở trên thì việc người bán thực hiện quyền truy đòi tài sản từ khách hàng của người mua là điều dễ dàng. Có thể nói rằng, đây được coi là rủi ro mà khách hàng của người mua khó có thể lường trước được và họ có thể phải gánh chịu. Hậu quả lớn hơn của việc này là tạo ra môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, trong đó người mua luôn cảm thấy bất an, rằng hàng hoá họ mua có thuộc đối tượng bảo lưu quyền sở hữu theo quy định tại Điều 331 BLDS 2015? Hậu quả cũng sẽ lớn hơn khi người mua và người bán cố tình đưa vào hợp đồng thoả thuận cho phép người mua trả chậm và người bán bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản mua bán.
Theo nguyên tắc chung, hợp đồng làm phát sinh hiệu lực ràng buộc đối với các bên tham gia. Còn hợp đồng làm phát sinh hiệu lực đối với người thứ ba được coi là ngoại lệ của nguyên tắc chung đó. Điều này được lý giải bởi việc chủ thể phải chịu trách nhiệm về hành vi mà họ thực hiện mà không chịu trách nhiệm về hành vi của người khác. Thế nhưng trong trường hợp này, khách hàng của người mua lại phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của người khác. Để khỏi phải chịu rủi ro thì khách hàng của người mua cần phải xác định, tài sản họ mua có thuộc đối tượng bảo lưu quyền sở hữu hay không. Về nguyên tắc thì việc này là có thể. Pháp luật Việt Nam có vẻ như đã dự liệu trước được rủi ro nói trên.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 387 BLDS 2015, trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết. Theo quy định này thì người mua phải có nghĩa vụ thông báo cho khách hàng của mình biết về việc tài sản mua bán thuộc đối tượng bảo lưu quyền sở hữu, và nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Vấn đề là nếu người mua đã không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho người bán việc bồi thường cho khách hàng là khó có thể xảy ra. Hậu quả là khách hàng của người mua có thể vừa bị truy đòi tài sản, vừa bị thiệt hại nhưng không được bồi thường.
Trong trường hợp người mua không thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Khoản 1 Điều 387 thì theo quy định tại Điều 59 Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính Phủ về Đăng ký biện pháp bảo đảm thì, cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình (khách hàng của người mua) có quyền tìm hiểu hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm được lưu giữ trong số đăng ký, cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm và Hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm. Như vậy về mặt lý thuyết, để tránh rủi ro người mua hàng có thể tìm hiểu hàng hoá họ định mua có thuộc đối tượng của bảo lưu quyền sở hữu và biện pháp bảo lưu này có được đăng ký bảo đảm hay không. Tuy nhiên, để có được những thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá, tài sản có thuộc đối tượng của bảo lưu quyền sở hữu hay không người mua hàng không thể không mất một khoảng thời gian nhất định và trong nhiều trường hợp không tận dụng được những cơ hội kinh doanh của họ.
Ngoài ra theo quy định của pháp luật, cá nhân, pháp nhân và hộ gia đình khi yêu cầu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm thì phải nộp phí (nếu không nộp phí thì bị từ chối cung cấp thông tin), mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm là không đáng kể nhưng thủ tục nộp các loại phí này có thực sự đơn giản hay không.
Liên quan đến vấn đề yêu cầu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm được lưu giữ trong số đăng ký, cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm và Hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm một nghịch lý có thể xảy ra, nếu khách hàng của người mua sau khi tìm hiểu họ biết rằng, tài sản họ định mua là đối tượng bảo lưu quyền sở hữu thì liệu họ có mua tài sản đó không. Tin chắc là không có người bình thường nào có thể mua hàng hoá đang bị người khác bảo lưu quyền sở hữu. Ngoài việc hàng hoá đó có khả năng bị truy đòi người mua còn bị nguy cơ đối mặt với hậu quả pháp lý theo Điều 444 BLDS 2015.
Một vấn đề hết sức khó hiểu liên quan đến các quy định của pháp luật về bảo lưu quyền sở hữu. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 2 Điều 453 BLDS 2015, bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Như vậy người mua trong hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần không có quyền định đoạt tài sản, điều này có nghĩa là người mua không có quyền bán tài sản đó cho người khác. Như đã nói ở trên, theo logic thì quy định này cũng được áp dụng cho tình huống theo Điều 331 BLDS 2015. Vậy quyền truy đòi tài sản được hình thành trên cơ sở nào nếu người mua không được phép chuyển nhượng tài sản cho ngưới khác. 
Pháp luật của những quốc gia có sự điều chỉnh bảo lưu quyền sở hữu hết sức thận trọng với quyền truy đòi tài sản. Và hầu hết là không quy định quyền truy đòi mà chỉ coi điều khoản bảo lưu quyền sở hữu là một điều khoản trong hợp đồng mua bán tài sản do các bên thoả thuận. Ví dụ, theo quy định tại khoản 3 Điều 449 BLDS của Đức,  thỏa thuận bảo lưu quyền sở hữu sẽ vô hiệu khi việc chuyển giao quyền sở hữu được thực hiện bởi bên mua nhằm thỏa mãn yêu cầu của bên thứ ba, nhất là khi bên thứ ba này có quan hệ kinh tế với bên bán.
Trong ví dụ được đưa ra nói trên liệu người mua B có quyền bàn hàng hoá không thuộc sở hữu của họ hay không khi mà Điều 444 BLDS 2015 (Bảo đảm quyền sở hữu của bên mua đối với tài sản mua bán) quy định, bên bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản đã bán cho bên mua không bị người thứ ba tranh chấp. Khoản 2 Điều này quy định, nếu người thứ ba (trong ví dụ nói trên là người bán A) có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản mua bán thì bên mua (trong ví dụ nói trên là người mua C) có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên bán (trong ví dụ nói trên là người mua B) bồi thường thiệt hại. Trường hợp này được hiểu là tại thời điểm ký hợp đồng mua bán giữa B và C, C không biết tài sản bị người thứ ba (người bán A) tranh chấp. Còn nếu tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, người mua C biết hoặc buộc phải biết tài sản họ mua là đối tượng bảo lưu quyền sở hữu của A thì C phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu A và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo quan điểm của tôi thì xuất phát từ khoản 2 Điều 297, Điều 444 BLDS 2015 người mua sẽ không mua tài sản nếu biết được tài sản đó đang là đối tượng bảo lưu quyền sở hữu. Kết quả là người mua đã mất thời gian nhưng cuối cùng hợp đồng không được ký kết. Và nếu người mua không mua tài sản đó thì quy định về quyền truy đòi là không thực tế. Rõ ràng, quy định quyền truy đòi là không thực tế, làm tăng chi phí giao dịch và trong nhiều trường hợp làm cho người mua mất cơ hội kinh doanh.
4. Kết luận: 
Pháp luật của các nước khác nhau có cách tiếp cận không giống nhau về chức năng và vai trò của vấn đề bảo lưu quyền sở hữu đối với hàng hoá đã bán. Pháp luật của Liên Bang Nga chỉ coi bảo lưu quyền sở hữu chỉ là điều khoản do các bên thoả thuận trong hợp đồng (Điều 491 BLDS) . Pháp luật của Đức không coi bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà chỉ xem xét vấn đề này là điều khoản trong hợp đồng mua bán tài sản là động sản . Pháp luật của Pháp (Điều 2367 BLDS ), Điều 9-103 Bộ luật Thương mại thống nhất của Hoa Kỳ (Uniform Commercial Code- UCC)   thừa nhận bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Ngay cả khi pháp luật của Pháp coi bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tuy nhiên nhiều người cho rằng, không nên chỉ sử dụng biện pháp bảo lưu quyền sở hữu mà còn cần phải sử dụng các biện pháp bảo đảm khác. 
Từ những kết quả phân tích nêu trên, tôi cho rằng:
Thứ nhất, bảo lưu quyền sở hữu không là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bởi lẽ biện pháp bảo đảm này không mang lại cho bên có quyền sự đảm đảo chắc chắn là nghĩa vụ được thực hiện. Trong khi đó các biện pháp bảo đảm khác cho phép bên có quyền có được sự chắc chắn đó. Bên cầm cố, thể chấp không thực hiện nghĩa vụ thì bên có quyền xử lý tài sản thế chấp, cầm cố đó. Trong bảo lưu quyến sở hữu thì sự chắc chắn đó không tồn tại-người mua không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán và cũng không còn tài sản. Nếu so sánh giữa phạt vi phạm hợp đồng với bảo lưu quyền sử hữu thì có thể thấy điều khoản phạt vi phạm trong hợp đồng có tính răn đe cao hơn điều khoản bảo lưu quyền sở hữu. Bởi lẽ kể từ thời điểm ký hợp đồng, các bên bị đặt vào tình thế và buộc phải ý thức được hậu quả mà họ phải gánh chịu nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Điều  khoản phạt vi phạm, ngoài việc cho phép bên bị vi phạm đòi lại tài sản (nếu hợp đồng bị huỷ) còn bắt buộc bên vi phạm phải trả một khoản tiền phạt. Tuy nhiên, phạt vi phạm không còn được coi là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo BLDS 2005 và BLDS 2015.
 Cũng theo quan điểm của tôi thì chỉ nên coi bảo lưu quyền sở hữu là một loại điều khoản trong hợp đồng do các bên thoả thuận. Việc thoả thuận bảo lưu quyền sở hữu là xuất phát từ bối cảnh, trong đó có các yêu tố liên quan như loại tài sản mua bán, mua để sử dụng hay mua để bán lại… Xuất phát từ đặc điểm của đối tượng hợp đồng mà các bên thoả thuận cơ chế, cách thức đòi lại tài sản trong trường hợp người mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.
Thứ hai, nên có sự phân biệt việc đòi lại tài sản theo quy định tại Điều 332 BLDS 2015 với việc hoàn trả lại tài sản trong trường hợp hợp đồng bị huỷ theo quy định tại Điều 427 BLDS 2015. Theo tôi thì pháp luật nên cho phép người bán đòi lại tài sản không cần quyết định của Toà án mà chỉ cần bằng chứng người mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.
Thứ ba, từ những phân tích ở trên, theo quan điểm của tôi thì việc đăng ký biện pháp bảo lưu quyền sở hữu chỉ cho phép người bán có quyền ưu tiên thanh toán mà không bao gồm quyền truy đòi. Quyền ưu tiên là vấn đề cốt lõi của giao dịch bảo đảm. Đây là đặc quyền dành cho chủ nợ có bảo đảm. Quyền ưu tiên được hiểu là quyền được ưu tiên thanh toán trước chủ thể khác khi xử lý tài sản bảo đảm. Quyền ưu tiên có ý nghĩa trong trường hợp tài sản của bên bảo đảm không đủ thanh toán cho các yêu cầu của các chủ thể.
Thứ tư, tôi cho rằng, mỗi khi đã có quy định Điều 331 BLDS 2015 thì quy định tại Điều 453 BLDS 2015 là không cần thiết. Hoặc nếu giữ lại quy định tại Điều 453 BLDS 2015 thì phải phù hợp với quy định tại Điều 331 BLDS 2015.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét