Pages

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

Pháp Lý Nhà Đất: MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN BẪY GÂY BẤT LỢI CHO KHÁCH HÀNG THƯỜNG THẤY TRONG CÁC HỢP ĐỒNG ĐẶT CHỖ/GIỮ CHỖ

 Thông qua quá trình tiếp xúc, tư vấn và hỗ trợ khách hàng có tranh chấp về vấn đề này, chúng tôi thường hay gặp một số điều khoản bẫy và gây bất lợi cho người đặt tiền giữ chỗ như sau:



(1) Nhập nhằng giữa bên nhận tiền giữ chỗ là chủ đầu tư hay là bên môi giới?


Theo quy định của pháp luật, người có quyền bán sản phẩm của dự án phải là chủ đầu tư dự án hoặc bên được chủ đầu tư ủy quyền hoặc ký hợp đồng hợp pháp thì mới có quyền bán. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn khách hàng thường ký thỏa thuận giữ chỗ với bên môi giới, chuyển tiền cho bên môi giới, thậm chí chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà không đòi hỏi bên nhận tiền đặt cọc phải cung cấp giấy ủy quyền hoặc tài liệu chứng minh quyền bán của mình. Theo đó, mặc dù không được ủy quyền bán, nhưng rất nhiều cá nhân và các công ty môi giới đang lợi dụng việc này để ký hợp đồng và nhận tiền giữ chỗ của khách hàng nhằm chiếm dụng vốn trái phép. Khi ký hợp đồng, khách hàng không phân biệt được chủ đầu tư hay là bên môi giới sẽ thực hiện hợp đồng với khách hàng.


Theo đó, nếu hợp đồng không thể hiện văn bản ủy quyền từ Chủ đầu tư và bên nhận tiền giữ chỗ cung cấp tài khoản cá nhân để nhận tiền, thì nhiều khả năng bên môi giới này không có quyền bán hợp pháp. Khi đó, nếu ký hợp đồng và chuyển tiền thì họ thì khách hàng đang giao trứng cho ác.


(2) Trong hợp đồng đặt tiền giữ chỗ, chủ đầu tư/bên môi giới hoàn toàn không cam kết thời hạn mở bán của chủ đầu tư


Vì không cam kết nên khách hàng không có lý do gì để lấy lại tiền trước thời điểm mở bán và chỉ biết chờ đợi cho đến khi có thông báo mở bán chính thức, nhưng không biết phải chờ đến khi nào.


(3) Trong hợp đồng chủ đầu tư không cam kết và ấn định giá bán bất động sản


Vì không cam kết và ấn định giá bán cụ thể, nên chủ đầu tư có quyền đưa ra giá bán lần đầu theo ý muốn của chủ đầu tư. Do vậy, nếu chủ đầu tư mở bán lần đầu với giá rất cao, nhiều người không đủ tài chính để mua và đành phải lấy lại tiền đặt chỗ.


(4) Hợp đồng không nghi cụ thể vị trí sản phẩm (số căn hộ, tầng, dãy, hướng, diện tích…mà chỉ ghi rất chung chung, ví dụ từ tầng…. đến tầng…)


Vì không ghi cụ thể, nên khi mở bán chính thức người đặt giữ chỗ không thể mua được đúng vị trí sản phẩm mình muốn mua. Và khi không có quyền lựa chọn, nên nhiều người cũng bỏ cuộc và phải đi xin nhận lại tiền đặt chỗ về.


(5) Hợp đồng không cho phép người mua được lấy lại tiền đặt chỗ bất cứ thời gian nào mà bị chủ đầu tư/bên môi giới áp đặt không được đòi tiền giữ chỗ lại cho đến khi chủ đầu tư mở bán


Đây là điều khoản bất lợi nhất cho người đặt giữ chỗ. Chủ đầu tư thường viện dẫn điều khoản này để ràng buộc khách hàng. Theo đó, khách hàng chỉ có quyền lấy lại tiền khi chủ đầu tư mở bán nếu khách hàng đó không mua. Tuy nhiên khi nào chủ đầu tư mở bán để có quyền lấy tiền lại thì là một dấu hỏi lớn mà chủ đầu tư cũng không trả lời được.



(6) Bắt khách hàng phải bảo mật thông tin về hợp đồng;


Mục đích là để che dấu hành vi huy động vốn trái pháp luật, để không bị xử phạt hành chính và không bị xử lý theo quy định của pháp luật.


HÃY LƯU Ý!

Theo Facebook của Chuyên Gia Pháp Lý


0 nhận xét:

Đăng nhận xét