Pages

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

NHỮNG ĐIỀU CẦN CÓ CỦA NHÀ BÁO KHI VIẾT BÀI ĐIỀU TRA

“Làm báo điều tra, chỉ cần thiếu tỉnh táo một chút, đôi khi nhà báo nhìn ở góc này là người hùng, ở góc kia lại là dạng bút máu” – Đức Hiển
– Phải có bản lĩnh nghề nghiệpNhà báo luôn đối mặt với những thách thức nguy hiểm, có khi phải trả giá bằng cả tính mạng trong suốt quá trình thu thập tài liệu hoặc nguy cơ bị tấn công bởi các đối tượng có liên quan đến vụ việc nhà báo đang điều tra như trong lúc thu thập thông tin để chuẩn bị viết bài như bưng bít thông tin, ngăn chặn hoạt động tiếp cận thông tin của nhà báo bằng cách thuê xã hội đen đánh đập, giăng bẫy, vu khống, đe dọa, đập phá phương tiện tác nghiệp, khủng bố tinh thần nhằm tạo sức ép cho nhà báo dừng lại vụ việc điều tra. Đây là hoạt động nguy hiểm và phức tạp, đặc biệt là điều tra liên quan đến các đoàn thể, thách thức hơn cả là phóng viên chiến trường khi có nguy cơ bị bắt làm con tin, bị sát hại, hoặc bị giết, nguy cơ bị đe dọa đến sức khỏe khi tiếp cận các loại dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên,  nhiều bài điều tra vì thể loại này mà khẳng định được bản lĩnh của nhà báo, đòi hỏi yêu cầu rất cao của nhà báo, phải là chiến sĩ gan góc, không ngại đối mặt với thử thách và nguy hiểm, đặc biệt vượt qua sự sợ hãi để nói lên tiếng nói sự thật, làm tròn sứ mệnh của người làm báo.
Ví dụ: : «Những chi tiết chưa từng tiết lộ » vụ nhà báo bị bạo hành hung tại Vân Giang – Hưng Yên.
– Trung thực, kiên trì, cẩn trọng:
* Trung thực là yêu cầu về mặt phẩm chất của người làm báo. Điều tra là hành trình đi tìm sự thật, là yêu cầu gay gắt đặt ra cho nhà báo, không ngại va chạm, không sợ uy lực và trước sau hướng đến ánh sáng của sự thật. Nhà báo thiếu trung thực, bóp méo sự thật, che đậy thông tin là hành vi vô đạo đức mà nhà báo cần tránh nếu muốn làm nhà báo chân chính. Biểu hiện tinh thần trách nhiệm của nhà báo đối với công việc là dán mác hoạt động điều tra để thâm nhập thực tế, tìm hiểu, nghiên cứu thông tin độc lập, có nhận định riêng. Ghi lại kết quả điều tra của công an mà gọi là điều tra là thiếu trung thực, thiếu tôn trọng người đọc. Ngoài ra, tính trung thực còn thể hiện thái độ công bằng, khách quan của người viết đối với đối tượng điều tra. Đặt ra vấn đề này bởi trên thực tế, có không ít nhà báo vì thân tình hay tư thù mà không giữ được khách quan, làm cho cáng cân công bằng bị sai lệch. Nhà báo không nên có định kiến và thiên vị sự thật. Trung thực với lương tâm, trách nhiệm với ngòi bút, không bị vật chất, danh lợi chi phối. Làm điều tra là cái tâm phải sáng. Tính trung thực trong điều tra còn thể hiện ở cách biện luận của người viết để đi đến kết luận, nhà báo phải xuất phát từ những phân tích khoa học, các cứ liệu, số liệu chính xác, tin cậy với một thái độ từ tốn, bình tĩnh để thuyết phục người đọc.
*Kiên trì: Theo tờ Sự Thật Đoàn thanh niên Cộng Sản Nga : « Thể loại điều tra là một trong những thể loại phức tạp, phải xúc lên hàng ngàn tấn quặng mà không biết liệu có tìm được mẫu kim cương nào không”. Để đi đến cùng tháo gỡ những vụ việc phức tạp thì hành trang của nhà báo không chỉ có bản lĩnh mà còn có lóng kiên trì và nhẫn nại. Những nhà báo giỏi cũng là những người phải rèn luyện cho mình tính kiên trì, nhẫn nại lớn hơn ai hết. Đó cũng chính là bài học đầu tiên tuy nhỏ nhưng rất quan trọng về nghề báo, nhất là trong khi thực hiện bài điều tra. Trong những trường hợp cần phải điều tra trong thời gian dài, gặp nhiều cản trở, khó khăn khi tiếp cận với đối tượng thì sự nhẫn nại, lạc quan, đi đến cùng để tìm kiếm sự thật, trả lời những câu hỏi làm sáng tỏ những uẩn khúc của vấn đề, sự kiện cần được nhà báo phát huy cao độ. Những thông tin càng giá trị, có chiều sâu, bằng chứng càng thuyết phục thì càng đòi hỏi nhà báo phải chuẩn bị kĩ càng, triển khai chu đáo, tỉ mỉ và cần nhiều thời gian, công sức.“Hãy thách đố chính mình. Không có một công thức chung, một cây đũa thần nào cả ngoài sự kiên trì, bạn phải làm việc với tâm thế không phải là khoán việc cho mình mà coi việc có thông tin là sứ mệnh, là thiên chức của bạn” – Đức Hiển.
–         Cẩn trọng
a) Trong thu thập thông tin :

+Chính nhà báo gây ra nguy cơ mất an ninh cho mình khi đưa ra những thông tin thiếu chính xác. Nhà báo cần phải cẩn thận, tỉ mĩ trong từng thao tác, cẩn trọng trong thu thập thông tin. Một trong những nguyên tắc điều tra là sự kiện phải được tìm hiểu đa chiều, đa góc cạnh, thông tin phải được thu thập từ nhiều phía và phải cần có sự kiểm chứng trước khi công bố.
+ Điều tra thường sử dụng để làm rõ các hiện tượng tiêu cực, hành vi phạm tội, vấn đề khuất lấp mà đối tượng cố tình che giấu, nhiều bài sau khi công bố phải đối mặt với những phản ứng gay gắt từ đối tượng điều tra. Không ít trường hợp, sự sai lệch về thông tin đã kích thích kẻ phạm tội thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt đối với nhà báo hoặc kiện nhà báo ra tòa vì tội vu khống.
b) Cẩn trọng trong lưu giữ thông tin

+ Lộ thông tin là điều tối kỵ đối với nhà báo điều tra, thông tin là tài liệu mà các cá nhân, tập thể bị điểu tra đặc biệt quan tâm, tìm cách thủ tiêu. Việc săn tìm và tiêu hủy được đối tượng tìm bằng nhiều thủ đoạn.
+ Nếu thông tin bị rò rỉ ra ngoài thì sẽ bị đối tượng phạm tội cản trở điều tra.
c) Bị mất nguồn tin

+ Nhiều nhà báo đã đọc được nhiều nguồn tin có giá trị, xây dựng được những nguồn tin quan trọng, biết cách bảo vệ nguồn tin. Việc bảo vệ nguồn tin được xem như là nguyên tắc hoạt động của báo chí. Nếu không có nguồn tin thì làm sao có những loạt điều tra đình đám.
+Lưu ý không phải bao giờ, người báo cáo tiêu cực cũng được bảo vệ, người báo cáo thường bị đe dọa, đánh đập, gấy sức ép. Do đó, nhà báo phải giữ bí mật nguồn tin, đảm bảo vệ an toàn của người cung cấp thông tin. Đây cũng là cách để nhà báo độc quyền sở hữu những thông tin có giá trị. Nguồn tin bị lộ không chỉ ảnh hưởng đến người cung cấp thông tin mà cả nhà báo cũng bị gặp bất lợi, gây mất niềm tin, uy tín của người làm báo. Vì vậy, nhiều nhà báo dù bị truy bức đến cùng vẫn không để lộ nguồn tin.
Đạo đức nghề nghiệp:

“Làm báo điều tra, ngay cả khi bạn trong sáng thì bạn vẫn có thể bị lợi dụng. Đơn giản, tai nạn và sự giả trá của người này lắm khi là cơ hội của kẻ khác” – Đức Hiển.
Không làm ngơ trước cái xấu, cái ác: Chính vì phải đối mặt với nhiều nguy hiểm nên không ít trường hợp, nhà báo đã chọn cách “im lặng là thượng sách”. Đây là hiện tượng nhà báo đóng bút trước những hiện thực của cuộc sống. Không có quy định nào với nhà báo khi biết được những việc có hại cho xã hội thì phải đưa tin nhưng đây là một yếu tố đạo đức nghề nghiệp, thôi thúc nhà báo cầm bút, không làm ngơ trước cái xấu, cái tiêu cực.
* Tôn trọng sự thật, đảm bảo tính chính xác: Đây là một nguyên tắc quan trọng đối với báo chí nói chung và điều tra nói riêng. Nhà báo luôn phải đảm bảo những thông tin mình cung cấp là tuyệt đối chính xác, không được xuyên tạc sự thật nhằm mục đích quảng cáo, thương mại, sức ép về kinh tế, chính trị và lợi ích cá nhân. Thông tin phải được kiểm chứng và ghi rõ nguồn, chịu trách nhiệm hoàn toàn với những thông tin mình đăng tải.
* Đảm bảo tính công bằng, khách quan: Nhà báo cần trình bày thông tin ở những ngữ cảnh khác nhau, không được thiên vị, trong trường hợp có xung đột, phải lắng nghe các bên liên quan.
* Từ chối mọi hình thức mua chuộc của các đối tượng điều tra và những đối tượng có liên quan: Trong quá trình thực hiện, điều đầu tiên nhà báo phải nghĩ đến là lợi ích của người đọc và danh dự của nghề báo. Nhà báo chỉ chấp nhận những công việc phù hợp với phẩm giá của nghề và kiên quyết bảo vệ những giá trị cao cả của nghề báo.
* Bảo vệ nguồn tin và bí mật nghề nghiệp – nhìn từ góc độ đạo đức: Khi sử dụng thông tin thu thập được từ nguồn tin, nhà báo cần phải suy xét, cân nhắc, tính trước những hậu quả có thể xảy ra khi công bố thông tin vì nguồn tin rất có thể sẽ bị đe doạ khi tiết lộ danh tính,
* Tôn trọng sự riêng tư và phẩm giá con người: Mọi người đều có quyền được tôn trọng bí mật đời tư, nhà báo có nghĩa vụ phải tôn trọng những quyền đó, không được can thiệp và điều tra những thông tin mang tính riêng tư khi không có sự đồng ý của người đó.
* Tôn trọng nhân vật, đối tượng mà mình đang điều tra: Nhà báo cần phải chú ý khi đăng tải thông tin, hình ảnh, bằng chứng nhất là khi đối tượng được đề cập thuộc những đối tượng nhạy cảm như trẻ em, vị thành niên, phụ nữ, v.v. Khi đăng tải thông tin cần lường trước những hậu quả để lại trong tương lai đối với những đối tượng được nhắc đến trong tác phẩm, đôi khi sẽ để lại nhiều nguy hại. “Khi viết về một nhân vật, có lẽ cũng nên nhìn chung quanh họ xem còn có ai bị chết lên chết xuống vì bài báo của mình không. Nhìn, không phải để rồi do dự và không dám xung trận. Nhưng chắc chắn nếu nhìn kĩ, bạn sẽ biết cách xử lí thông tin và câu chữ như thế nào để hạn chế những tổn thất không đáng có” – Đức Hiển.
Bài viết của Tác Giả Nhật Oanh và được dẫn nguồn lại từ https://nhatoanhblog.wordpress.com/

0 nhận xét:

Đăng nhận xét