Pages

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Nguyên tắc của các doanh nhân thành đạt (tiếp theo và hết)



Một số không nhiều những doanh nhân thông minh đã bán được những gì có thể đem lại lợi nhuận vào thời điểm thuận lợi, còn vô số người khác thì đã lao vào tất cả những gì mà họ không kinh doanh được.

Nguyên tắc thứ ba: Không bỏ qua thời cơ thu lợi nhuận
Sẽ thật sai lầm nếu kinh doanh một mặt hàng nào đó trong lúc các chi phí sản xuất đang ở mức cao. Họ kinh doanh chỉ vì xung quanh họ ai cũng kinh doanh cả. Còn nhiều doanh nhân khác (số này không phải là ít) đã có thể kinh doanh, song lại từ chối cơ hội hiếm hoi. Nếu họ thông minh hơn thì họ đã tận dụng cho hết khả năng cuối cùng và sau đó chỉ một thời gian ngắn thôi, với một số tiền đầu tư không lớn, họ đã có thể thu hồi lại toàn bộ số vốn. Vậy là chúng ta đang đi tới một chân lý khá hiển nhiên: “Trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là thời cơ chứ không phải xu thế”.
Để thành công trên thương trường, chúng ta cần suy nghĩ và nắm bắt mọi thời cơ. Tất cả chúng ta, hay chí ít là đa số, đều có thể trở nên giàu có nếu chúng ta sống được 1000 năm. Nhưng đó là điều không thể. Do vậy, trên quan điểm tài chính, nhiệm vụ của chúng ta là: nếu bạn muốn làm ra lợi nhuận, thì nên bắt tay vào việc càng nhanh càng tốt, bởi vì chúng ta chỉ có 20-30 năm để xoay xở trên thương trường mà thôi.
Một doanh nhân Nhật Bản kể lại cách đây không lâu có người bạn đã viết thư cho ông và nói: “Công ty tôi luôn làm ăn ổn định, nhưng lợi nhuận lại không cao. Ông thấy thế có hiệu quả không?”. Ông này trả lời: “Mỗi người có thể có một quan điểm, nhưng với tôi, kinh doanh hiệu quả là phải tích luỹ nhanh chóng được số tiền đủ lớn và phải đi bằng con đường ngắn nhất. Không được bỏ qua bất kỳ một cơ hội thuận lợi và hợp pháp nào để có được lợi nhuận”. Quả thật, những doanh nhân thành đạt luôn nói: “Nếu tôi mua con bò với giá 20 USD và trên đường về trang trại, có người gặp tôi mà nói rằng: Con bò tốt và đẹp quá nhỉ, tôi có thể trả cho anh 30 USD, thì tôi sẽ tức khắc trả lời ngay rằng: Vậy thì con bò này là của anh rồi đấy!. Sau đó thì tôi trở về nhà, tinh thần phấn khởi, hài lòng với một ngày làm việc may mắn và có hiệu quả của mình”.
Có nhiều doanh nhân thường quá cảnh giác khi có một đối tác nào đó muốn mua món hàng của họ với giá cao. “Nếu có ai muốn mua món hàng của tôi với giá cao như vậy thì bản thân tôi cũng cần đến nó” – nhiều người đã nghĩ như vậy, nhưng quan điểm đó thật sai lầm. Vấn đề là ở chỗ, bạn hãy biết tận dụng từng cơ hội để có thể thu lợi nhuận một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, một trong yếu tố quan trọng ở đây là coi trọng yếu tố thời gian. Tốt hơn hết là làm được 100 USD trong một tháng, chứ không phải là 400 USD trong một năm. Hễ khi nào mà bạn nắm vững được chân lý này thì lúc đó bạn đã bắt đầu đặt chân trên con đường để trở thành doanh nhân thành đạt. Hãy học cách kiếm ra tiền nhờ vào tính năng động: Suy nghĩ, vạch kế hoạch, tận dụng cơ hội do có sự dao động về giá cả.
Một số người cho rằng, đó là sự bóc lột trong kinh doanh. Tuy nhiên điều này không hề có mối liên hệ nào đến khái niệm “bóc lột”. Đó là năng lực sáng tạo, là phương pháp làm ra tiền một cách hợp pháp, hiệu quả và ít có rủi ro nhất của những doanh nhân thành công trên thế giới.
Điều cần lưu ý tiếp theo là để có thể làm ra lợi nhuận, chúng ta cần phải hành động thật nhanh chóng. Bạn phải biết thích ứng với các hoàn cảnh khác nhau, tìm hiểu – hành động - chấp nhận giải pháp - tận dụng mọi cơ hội. Có một câu chuyện khá quen thuộc được nhiều người kể lại nhiều lần là câu chuyện về người đánh cá tối dạ. Anh ta câu được con cá dài hơn sải tay, nhưng anh ta lại thả nó ra và nói: “Tao sẽ chờ mày lớn hơn và sang năm sẽ bắt mày”. Qua câu chuyện này, bạn có thể thấy rằng tốt hơn hết hãy giữ gìn những gì đang có và khi hướng tới điều to lớn hơn, nhiều công ty lại bỏ mất những lợi ích hiện tại.
Kinh doanh trên thương trường thường được ví như một cuộc sống ngắn ngủi và luôn thay đổi. Do vậy, bạn không nên bỏ lỡ những cơ hội mà thương trường đã tạo ra. Hãy năng động hơn để có được lợi nhuận và mỗi một chút nhỏ bé cộng thêm vào vốn tài sản - những gì bạn đang có - dần dần sẽ làm cho bạn giàu có và thành công hơn.
Nguyên tắc thứ tư: Kinh doanh một cách thực tế chứ không chỉ là ý tưởng viển vông
Mỗi doanh nhân đều cố gắng tìm cho mình những sản phẩm phù hợp nhất. Mọi người đều mạo hiểm, ai cũng có những ý tưởng riêng mình và khi thực hiện chúng thì có người thắng người thua. Trong các hoạt động đầu tư kinh doanh, ngay cả những doanh nhân thông minh nhất cũng không thể nói được khi nào hoạt động này kết thúc và hoạt động kinh doanh tiếp theo sẽ bắt đầu ở đâu.
Tương tự, nhiều ông chủ công ty không hiểu được rằng họ vừa là người điều hành kinh doanh, vừa là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng có hiệu quả đồng vốn của công ty. Họ cũng không biết rằng, sự an toàn và mạo hiểm trên thương trường luôn đan xen lẫn nhau, không một ai và không bao giờ có thể tách biệt cái này với cái kia. Bạn nên nắm vững nguyên tắc trên, biết mình phải mạo hiểm như thế nào, do đó bạn phải vừa kinh doanh vừa tiên đoán cho tương lai.
Không có quy tắc nào là tuyệt đối để có thể kinh doanh một cách an toàn, nhưng luôn có một số lời khuyên giúp bạn phòng ngừa những tính toán mạo hiểm nhất. Và một trong những lời khuyên đó là: Hãy tập trung vào những sản phẩm và dịch vụ của công ty chứ đừng mơ mộng đến những dự án kinh doanh xa vời.
Các sản phẩm/dịch vụ của công ty có một giá trị vật chất hiển nhiên, trong khi giá trị thực của các dự án phụ thuộc vào việc triển khai nó. Sản phẩm/dịch vụ là những thứ tồn tại trong thực tế nên nếu cần, bạn có thể bán được nó trong một thời gian nhất định, còn dự án chỉ là một ý tưởng, không có giá trị nhiều lắm về mặt vật chất. Sản phẩm/dịch vụ cho dù cũ hoặc hư hỏng đến mấy thì vẫn có giá trị bằng tiền, còn dự án dù cho hoàn hảo cũng có thể không đáng giá một đồng xu. Điều khó hiểu của bản chất doanh nhân là ở chỗ, đa số mọi người đều cho rằng dự án là một thứ tài sản cần theo đuổi.
Điều này có thể được giải thích bằng việc bất kỳ một dự án nào cũng thường rất hoàn hảo, nhưng rất ít dự án thành công. Nhiều dự án đã làm các doanh nhân rối trí, tách khả năng cân nhắc và phân tích của họ ra khỏi những hiệu quả thực tế. Dự án là hy vọng và mong muốn; nó không mấy liên quan đến thực tế với nhiều khó khăn và rủi ro.
Ở đây chúng ta không muốn nói rằng tất cả các dự án đều phi thực tế, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng đầu tư tiền của vào dự án là việc làm dành cho những người cho phép mình tiêu xài một cách thoải mái. Việc đó không dành cho những công ty có khả năng vật chất có hạn và kinh nghiệm không nhiều. Khả năng thất bại rất cao và chỉ có khoảng 1/50 dự án thành công. Nếu không muốn chia tay với những đồng tiền của mình, thì hãy tránh xa các dự án và chỉ nên đầu tư vào sản phẩm/dịch vụ cụ thể. Khoản đầu tư của bạn có thể thay hình đổi dạng, nhưng không thể biến mất hoàn toàn hay bị “hoà tan” vào không khí như khi đầu tư vào các dự án.
Nếu tiên đoán tốt, công ty bạn luôn có thể biến tài sản thành tiền và thu về lợi nhuận cao. Thông thường trong một tài sản mới luôn có một phần là sản phẩm/dịch vụ và một phần là dự án. Ở đây, sự pha trộn giữa cái thực tế và cái không thực tế đã làm cho nhiều người nhầm lẫn và cũng chính vì thế nên nhiều doanh nhân đã thất bại thảm hại.
Trong bất kỳ công ty nào cũng có sản phẩm/dịch vụ và dự án. Nguy hiểm sẽ xuất hiện khi dự án chiếm ưu thế hơn sản phẩm/dịch vụ. Một công ty kinh doanh sản phẩm/dịch vụ bình thường sẽ tương tự như kim tự tháp với đáy lớn hơn đỉnh, còn một công ty có quá nhiều dự án sẽ có hình kim tự tháp ngược nên dễ đổ. Điểm khác biệt cơ bản giữa sản phẩm/dịch vụ và dự án là sản phẩm/dịch vụ luôn bảo toàn giá trị cho dù nó thuộc về ai. Trong khi đó thì giá trị của dự án lại hoàn toàn phụ thuộc vào tính trung thực và hiệu quả công việc của những người thực hiện nó. Người ta hay cho rằng càng thông minh thì bạn càng hy vọng vào dự án; ngược lại, nếu khả năng tư duy càng thấp thì bạn càng phải dựa vào sản phẩm/dịch vụ. Nhưng chính lối tư duy này đã cứu hàng trăm công ty khỏi bờ vực của phá sản. Những con chim sẻ không nên cố gắng trở thành đại bàng bay tít lên trời xanh. Ít ra thì trước hết họ phải thử sức mình và xác định chính xác bản thân mình là chim sẻ hay đại bàng.
Có thể nói, trên thương trường, cái gì cũng có thời điểm của nó – lúc thì bạn phải hết sức thận trọng, lúc khác thì phải có gan mạo hiểm. Bạn nên tự nhủ rằng: Hãy nghiên cứu tất cả mọi chi tiết của dự án, sản phẩm/dịch vụ và ngay chính bản thân mình. Đừng cố gắng học chạy trước khi biết đi, chỉ nên đầu tư cho dự án kinh doanh mới, khi bản thân đã trải qua hàng chục năm kinh nghiệm làm việc với loại sản phẩm/dịch vụ.
Giờ đây, sau khi biết được những nguyên tắc kinh doanh trên, có thể không ít người sẽ bĩu môi: “Cái mớ lý luận cũ rích và nhàm tai ấy mà!”. Quả thật, lý luận tuy cũ rích và đơn giản đã mách bảo chúng ta hãy kinh doanh một cách chân thực, tìm ra những nguyên nhân chung nhất đi đến thành công. Chính lý luận đó đã trở thành nguyên tắc kinh doanh của William Deming tại Ford, Carlos Ghosn tại Nissan… và giúp họ làm nên kỳ tích.
(Dịch từ Nihon Keizai)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét