ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
(Lễ công bố Nghị quyết của UBTVQH
thành lập Thành phố Tân Uyên thuộc Tỉnh Bình Dương)
1. Khái quát lịch sử và quá trình phát triển của Huyện Tân Uyên
Năm 1675 - 1725, triều đình nhà Nguyễn đã chính thức tổ chức đưa dân di cư vào Phương Nam khai khẩn lập nghiệp, vùng dừng chân sớm nhất của những người di cư vào phương Nam là Cù lao Tân Chánh, cù lao Rùa, Tân Ba và Uyên Hưng, Bình Dương hiện nay. Trong bất kỳ giai đoạn nào, Nhân dân Tân Uyên luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, cần cù, chịu khó và yêu nước, yêu quê hương thiết tha. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trước đây, huyện Tân Uyên luôn có vị trí chiến lược quan trọng, cái nôi căn cứ chiến khu Đ nổi tiếng của miền Đông Nam Bộ. Đồng thời, Tân Uyên cũng là nơi ta thực hiện những cách đánh mới, đập tan hệ thống tháp canh của địch thời kháng chiến chống Thực dân Pháp, nơi khởi nguồn cách đánh đặc công của miền Đông và của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Có thể nói, trong 2 cuộc kháng chiến, Đảng bộ, quân và dân Tân Uyên xứng đáng là ngọn cờ đầu của Tỉnh và của miền Đông Nam bộ. Vượt qua những khó khăn, thử thách, quân và dân Tân Uyên dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên cường chiến đấu, góp phần đưa đến thắng lợi cuối cùng ngày 30/4/1975 lịch sử. Sau ngày quê hương được giải phóng, một bộ phận nhân dân Tân Uyên từ các nơi đã mau chóng trở về làng xưa xóm cũ để khai hoang, phục hóa mở rộng đất đai sản xuất, cùng nhau đoàn kết xây dựng lại quê hương trong niềm hạnh phúc lớn lao.
Quá trình hình thành và phát triển của Huyện Tân Uyên (Nay là Thành phố Tân Uyên) trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với những đổi thay về địa giới hành chính, tên gọi. Theo Nghị định số 58/1999/NĐ-CP ngày 23/7/1999 của Chính Phủ, huyện Tân Uyên được tách ra thành lập thêm Huyện Phú Giáo. Sau điều chỉnh, địa giới hành chính huyện Tân Uyên có diện tích tự nhiên 61.117 ha và 115.104 nhân khẩu, gồm 18 đơn vị hành chính trực thuộc. Ngày 17/11/2004, Chính Phủ ban hành Nghị định 190/2004/ND0-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các xã thuộc huyện Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo; theo đó, thành lập thêm 4 xã thuộc huyện Tân Uyên (huyện Tân Uyên gồm 22 đơn vị hành chính trực thuộc). Đến ngày 29/12/2013, thực hiện Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ, huyện Tân Uyên được chia thành thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Trong đó, thị xã Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 6 phường và 6 xã. Thời gian này, thị xã tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân, tạo bước đệm vững chắc về cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị. Đến năm 2016, thị xã Tân Uyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tiếp đà phát triển, Tân Uyên tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, văn minh; các mục tiêu đề ra hằng năm đều được hoàn thành đạt và vượt. Ngày 20/11/2018, thị xã Tân Uyên được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Dương, mở ra nhiều cơ hội để phát huy tiềm năng kinh tế, xã hội. Đến ngày 10/01/2020, các xã Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp và Hội Nghĩa được nâng cấp lên phường, thị xã Tân Uyên có 10 phường, 2 xã.
Ngày 13/2/2023, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15, ngày 13/2/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “Về việc thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương” có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. Thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng thị xã Tân Uyên, diện tích 191,76km2, dân số 466.053 người, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 10 phường và 2 xã; sử dụng trụ sở làm việc của thị xã Tân Uyên trước đây. Thành phố Tân Uyên nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thuộc tỉnh Đồng Nai cùng với các huyện, thị, thành phố đang phát triển của tỉnh Bình Dương như thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên. Với vị trí địa lý đặc biệt, thành phố Tân Uyên là địa bàn quan trọng của tỉnh cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội, thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành như công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Trên địa bàn thành phố có hệ thống giao thông đối ngoại, giúp việc giao thương, vận chuyển hàng hóa luân chuyển đi các tỉnh thành phía Nam; có cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của thành phố, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics.
2. Một số thành tựu nổi bật của Thị xã Tân Uyên thời gian qua
Trong những năm qua, Tân Uyên luôn đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bình Dương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó ngành công nghiệp phát triển dẫn đầu. Đảng bộ, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, nghị quyết của tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2022 vừa qua, Tân Uyên chào đón thêm 287 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 989 tỷ đồng, 10 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 54,43 triệu USD. Hiện nay, Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đăng ký là 32.560,507 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 5.297,55 triệu USD. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% - dịch vụ 34,6% - nông nghiệp 1,23%. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 32.996 tỷ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm 2021. Tân Uyên đang có 2 dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước. Đó là khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045ha và Khu công nghiệp VSIP III quy mô hơn 1.000ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến là 6.407 tỷ đồng. Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chính thức động thổ dự án xây dựng nhà máy tại đây với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Đan Mạch vào Việt Nam từ trước tới nay. Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển sôi động, giá trị ước đạt 17.795 tỷ đồng, tăng 23,15% so với cùng kỳ năm 2021. Trung tâm Thương mại Biconsi Uyên Hưng đã đi vào hoạt động, phục vụ mức sống ngày càng cao của Nhân dân. Nông - Lâm nghiệp không chiếm tỷ trọng cao nhưng tiếp tục tăng giá trị sản xuất 2,91% so cùng kỳ năm 2021, đạt 636 tỷ đồng. Các dự án khoa học - công nghệ, nông nghiệp kỹ thuật cao được duy trì hiệu quả. Nhiều sản phẩm chất lượng trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được công nhận cấp huyện, cấp tỉnh, tạo động lực vươn xa và phát triển. Nhiều sản phẩm mang dấu ấn địa phương như Bưởi Bạch Đằng, rau Thạnh Hội ngày càng vươn xa, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đề án Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng bước đầu đạt kết quả tích cực, làm đổi thay dáng hình nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Những năm qua, Tân Uyên tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị nhanh chóng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng hoàn chỉnh theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Thành phố hiện có 55 khu dân cư, trong đó có 25 khu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ 80 - 100%. Tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố khu vực nội thị chiếm 100%, đạt diện tích sàn bình quân là 26,55m2/người. Hệ thống các công trình công cộng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại. Hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh bao gồm giao thông thủy, bộ, hệ thống bến cảng, nhà ga, kho bãi. Bên cạnh đó, các dự án đường kết nối vùng như Vành đai 3, đường Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ chí Minh – Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn Tân Uyên mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên. Mật độ đường chính trong khu vực nội thị đạt 7,5km/km2. Chỉ tiêu cấp nước sạch sinh hoạt đạt 150 lít/người/ngày đêm. Mạng lưới viễn thông hoạt động tốt, thuê bao internet băng thông rộng đạt bình quân 21,9 máy/100 dân. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đạt 98,72%. Chỉ tiêu đất cây xanh đô thị đạt 8m2/người. Khu vực phường Thái Hòa có trạm xử lý nước thải tổng công suất 25.000m3/ngày, diện tích 7,3ha, xử lý nước thải 1 phần khu vực Thái Hòa, 1 phần Tân Phước Khánh, 1 phần khu vực Dĩ An, 1 phần khu vực Thuận An với khoảng trên 6.000 hộ dân cùng 219 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân không chỉ là tập trung phát triển kinh tế mà lĩnh vực văn hoá - xã hội luôn được quan tâm đầu tư đúng mức. Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên người được kiểm soát hiệu quả. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,52%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100% ở cả hai hệ; tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng là 95,4%. Tân Uyên hiện có 29/42 trường đạt chuẩn. 100% trường THCS, THPT sử dụng sổ liên lạc điện tử. Xã hội hoá giáo dục thu hút được sự quan tâm của xã hội. Tân Uyên hiện có 25 trường Mầm non ngoài công lập và 103 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ngoài công lập, tổng mức đầu tư khoảng 154,5 tỷ đồng. Công tác đền ơn đáp nghĩa; chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm chu đáo. Hệ thống thông tin cơ sở đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các thiết chế văn hóa - thể thao cùng 12 di tích được quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo. Tân Uyên cơ bản thoát nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức sôi nổi, tạo sân chơi lành mạnh và nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Lễ hội Hương Bưởi Bạch Đằng được tổ chức 2 năm/lần, thu hút hàng chục ngàn lượt khách, góp phần quan trọng xúc tiến thương mại - du lịch địa phương, giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc của Tân Uyên đến với du khách thập phương. Từ năm 2018, Tân Uyên triển khai mô hình xây dựng công viên, hoa viên nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao cho người dân, đồng thời tạo diện mạo, mỹ quan đô thị.
Lĩnh vực nội chính đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giải quyết đơn thư ngày càng nâng cao, hạn chế nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Tỷ lệ giải quyết đơn đạt 92,22%. Cải cách hành chính được thực hiện hiệu quả. Tân Uyên đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, qua khảo sát, tỷ lệ người dân hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%. Chuyển đổi số bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan, đặt nền móng xây dựng đô thị thông minh. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được đẩy mạnh. Tân Uyên hàng năm đều hoàn thành công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu được giao. Để người dân an tâm lao động, sản xuất, lực lượng chức năng luôn duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; chủ động nâng cao chất lượng công tác nắm, dự báo, kiểm soát tình hình, kéo giảm tội phạm. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố trong sạch, vững mạnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nâng cao.
3. Định hướng phát triển thời gian tới
Giai đoạn 2021 - 2025, Tân Uyên xác định quan điểm phát triển là khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025. Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thành phố Tân Uyên trở thành một trung tâm lớn phía Nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hoá - du lịch; đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương, thu hút người dân từ thành phố Hồ Chí Minh đến sinh sống và làm việc. Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía Nam đất nước; là đầu mối giao thông, quan trọng của tỉnh và của vùng.
Định hướng trong thời gian tới, về kinh tế, thành phố Tân Uyên sẽ phát triển thương mại, dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế chủ đạo; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, phát triển mạnh dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo bước đột phá, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn kết với tiến trình đô thị hóa theo hướng phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; phát triển xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội trở thành vùng sản xuất nông nghiệp chính của thành phố Tân Uyên theo mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị. Phân khu chức năng thành phố Tân Uyên sẽ bao gồm: khu sản xuất duy trì các khu, cụm công nghiệp hiện hữu; kho tàng, bến bãi tập trung tại các khu công nghiệp và cảng sông Thạnh Phước; khu dịch vụ gồm Khu du lịch sinh thái Mekong-Golf-Villas tại cù lao Bạch Đằng, các công viên - văn hóa thể thao tại các khu vực đất thấp ven sông Đồng Nai; trung tâm thương mại, chợ tại các phường Khánh Bình, Uyên Hưng, Thái Hòa và Tân Hiệp; các công trình giáo dục, y tế; công trình văn hóa - thể dục thể thao.
Thành phố Tân Uyên sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đối nội, quy hoạch 2 bến xe khách, phát triển giao thông đường thuỷ, hệ thống cảng bến; quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải hành khách công cộng hợp lý, tiên tiến, hiện đại; đầu tư xây dựng lưới điện, cải tạo đảm bảo nguồn điện cung cấp ổn định, an toàn; hoàn chỉnh hạ tầng thông tin liên lạc, ngầm hoá các tuyến cáp treo hiện hữu, cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông đa dạng tiến tới dịch vụ truyền thông cao; quan tâm đầu tư hệ thống cấp nước, thoát nước thải và vệ sinh môi trường. Cùng với đó, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, đẩy mạnh xã hội hoá trong các lĩnh vực văn hoá - xã hội; đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, thành phố tiếp tục củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
4. Thông tin về Lễ công bố Nghị quyết của UBTVQH thành lập Thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương
Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương sẽ được tổ chức với các nội dung cụ thể như sau:
* Thời gian: Vào lúc 08 giờ 30 phút, ngày 12/4/2023 (Thứ Tư).
* Địa điểm: Quảng trường thị xã Tân Uyên, khu phố 1, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
* Số lượng, thành phần tham dự:
- Số lượng: Dự kiến khoảng hơn 1.000 người
- Thành phần đại biểu gồm: Đại biểu Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh Bình Dương và Thành phố Tân Uyên qua các thời kỳ; lãnh đạo các Huyện, Thị xã, Thành phố trong và ngoài tỉnh; Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang; lãnh đạo các cơ quan, Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; lực lượng vũ trang; lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan của Thị xã, lãnh đạo các xã phường; đại diện các khu, cụm công nghiệp và một số doanh nghiệp tiêu biểu; các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương và đại diện hơn 200 người dân trên địa bàn của 12 xã, phường.
* Nội dung chương trình:
- Múa Lân – Sư - Rồng;
- Văn nghệ chào mừng;
- Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu;
- Trình chiếu phim tư liệu về quá trình xây dựng và phát triển thành phố Tân Uyên;
- Công bố và trao Nghị quyết thành lập thành phố;
- Phát biểu của Lãnh đạo Trung ương;
- Phát biểu của Lãnh đạo Tỉnh;
- Phát biểu của đại diện thế hệ trẻ;
- Phát biểu đáp từ của Lãnh đạo thành phố;
- Kết thúc buổi Lễ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét