BÁO CÁO TÓM TẮT
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh quí I
và những nhiệm vụ trọng tâm quí II năm 2023 của Tỉnh Bình Dương
Phần thứ nhất
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh quí I năm 2023
I. Về phát triển kinh tế tỉnh Bình Dương
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó: công nghiệp - xây dựng giảm 0,93%; dịch vụ tăng 5,55%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,23%.
1. Công nghiệp
Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022. Các khu công nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đạt 39 triệu đô la Mỹ (chiếm 9% cả tỉnh), cho thuê được 4,2 ha đất.
Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 3,3 tỷ KWh, giảm 7,6% so với cùng kỳ; duy trì tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,99%.
2. Thương mại - dịch vụ, xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương
a) Thương mại - dịch vụ: Hàng hóa phục vụ Tết đa dạng, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ quí I/2023 ước tăng 13,2% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 3,2% so với cùng kỳ.
b) Xuất - nhập khẩu: các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thấp. Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu ước giảm 18,7%; kim ngạch nhập khẩu ước giảm 14%.
3. Nông nghiệp: triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân đạt 5.720 ha, tăng 0,2% so cùng kỳ; diện tích thu hoạch đạt 1.693 ha, tăng 1,3% so cùng kỳ; chăn nuôi phát triển ổn định, giá heo hơi, giá cam, quý, bưởi giảm mạnh trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn duy trì ở mức cao.
4. Tài nguyên và môi trường: phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện; tiếp tục hoàn thiện phương án tạo nguồn thu từ quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác thẩm định giá đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án đầu tư; thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở, hành vi gây ô nhiễm môi trường.
5. Đầu tư phát triển, đầu tư công và phát triển doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương
a) Đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng 9,6% so với cùng kỳ
b) Đầu tư công
- Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (đến 31/01/2023): tổng giá trị giải ngân đạt 7.661 tỷ 351 triệu đồng, đạt 84,6% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
- Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (đến 15/3/2023): tổng giá trị giải ngân đạt 769 tỷ đồng, đạt 3,5% kế hoạch HĐND tỉnh.
c) Đầu tư trong nước và nước ngoài
- Đầu tư trong nước (đến 15/3/2023): Đã thu hút 10.782 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 60.748 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 641 ngàn tỷ đồng.
- Đầu tư nước ngoài (đến 15/3/2023): Đã thu hút 437 triệu đô la Mỹ (giảm 74% so với cùng kỳ, năm trước có dự án Lego 1,3 tỷ USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.097 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,7 tỷ đô la Mỹ.
6. Về Quy hoạch và Phát triển đô thị tại tỉnh Bình Dương: khẩn trương tích hợp các quy hoạch thành phần, tổ chức Hội thảo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, nâng cấp, cải tạo chỉnh trang đô thị; tiếp tục hoàn thiện chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2021-2030; kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh năm 2023; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản.
7. Giao thông Vận tải: triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm: Vành đai 3; Vành đai 4; cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; mở rộng Quốc lộ 13; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm; hoạt động của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
8. Tài chính – Tín dụng tại Tỉnh Bình Dương
a) Ngân sách: thu ngân sách ước thực hiện 17.300 tỷ đồng, đạt 23% dự toán HĐND tỉnh, bằng 97% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách ước thực hiện 3.300 tỷ đồng, đạt 11% dự toán, tăng 01% so với cùng kỳ.
b) Tín dụng: tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 3 ước đạt 274 ngàn tỷ đồng, giảm 1% so với đầu năm và tăng 0,1% so với cùng kỳ; dư nợ ước đạt 288 ngàn tỷ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm và tăng 7,7% so với cùng kỳ; nợ xấu 1.895 tỷ đồng, chiếm 0,66% tổng dư nợ.
II. Văn hóa – Xã hội của Tỉnh Bình Dương
1. Thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội
Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các đối tượng người có công, đối tượng chính sách, xã hội, công nhân khó khăn, hộ nghèo, trẻ em. Tổng kinh phí chi tiền Tết 2023 là 793 tỷ đồng, tăng 5% so với Tết 2022. Triển khai thực hiện xác thực cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, chi trả chính sách không dùng tiền mặt cho các đối tượng.
Lao động, việc làm: chủ động theo dõi tình hình giải quyết tiền lương, thưởng của người lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trước, trong và sau Tết; trong quý có 745 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 12.864 lao động, tạo việc làm tăng thêm cho 11.216 người, đạt tỷ lệ 32% kế hoạch.
2. Giáo dục và Đào tạo: các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học/hoạt động giáo dục bảo đảm thời lượng quy định và bố trí dạy học hợp lí, khoa học; tổ chức ôn tập và kiểm tra học kỳ I năm học 2022-2023 các cấp; chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức dạy thêm - học thêm trong và ngoài nhà trường; tiếp tục hoàn thiện các đề án của ngành Giáo dục.
3. Chăm sóc sức khoẻ nhân dân: các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo tốt việc trực khám và điều trị bệnh cho người dân; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chủ triển khai mô hình điểm khám chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết các vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/03/2023 của Chính phủ.
4. Văn hoá, thể thao và du lịch: tổ chức tốt các hoạt động trang trí, văn hóa nghệ thuật, triển lãm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quy định, phù hợp thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc; trưng bày chuyên đề Hình ảnh và hiện vật của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nguyễn Minh Triết.
5. Thông tin truyền thông tỉnh Bình Dương: các cơ quan báo đài, thông tin cơ sở đã chủ động tuyên truyền đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân năm 2023, các hoạt động chăm lo Tết, không khí vui xuân, đón Tết của Nhân dân; triển khai tập huấn số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ sở dữ liệu Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh.
6. Khoa học và công nghệ: Hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh trên nền tảng Ba Nhà, Thành phố thông minh; đang triển khai 31 đề tài - dự án cấp tỉnh phát triển công nghệ, đề xuất chính sách cấp thiết; Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương lần thứ 5 được Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh Top 21.
III. Nội chính
1. Công tác tư pháp, thi hành án
Triển khai chi tiết các nội dung được giao cho chính quyền địa phương trong các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4; đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2022. Toàn ngành thi hành án đã thụ lý 12.748 vụ việc, đã giải quyết đạt 32,13% về số vụ và 416 tỷ đồng về số tiền.
2. Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng: Toàn ngành Thanh tra triển khai 31 cuộc thanh tra hành chính, thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với 515 tổ chức, cá nhân; kiểm tra, thanh tra trách nhiệm về phòng chống tham nhũng được 07 cuộc với 32 đơn vị; tổ chức tiếp 989 lượt, với 804 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh; tiếp nhận 368 đơn thuộc thẩm quyền, đã giải lệ 94% đơn.
3. Tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, thi đua khen thưởng: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị; tổ chức lại Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp thành Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; phối hợp tổng kết Đề án 711-QĐ/TU, ngày 11/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 ngày 13/02/2023 về thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh.
4. Công tác đối ngoại: Chủ tịch UBND tỉnh cử 10 đoàn lãnh đạo tỉnh (22 lượt người) đi nước ngoài; tiếp 21 đoàn (198 lượt khách) đến thăm, chào xã giao và làm việc tại tỉnh; tổ chức đối thoại với chi hội, doanh nghiệp nước ngoài và buổi họp mặt trọng thể các Tổng Lãnh sự, Trưởng Cơ quan Thương vụ và các Hiệp hội doanh nghiệp; chấn chỉnh việc cho phép cán bộ, công chức đi nước ngoài.
5. Quốc phòng - an ninh
Hoàn thành công tác giao quân năm 2023 đảm bảo chất lượng, số lượng. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Thực hiện cao điểm tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy; triển khai 23/15 dịch vụ thuộc Đề án 06 của Chính phủ.
Tội phạm về trật tự xã hội: đã xảy ra 374 vụ; phát hiện 121 vụ phạm pháp về ma túy và 215 vụ phạm pháp kinh tế.
Về tai nạn giao thông: xảy ra 97 vụ (giảm 47 vụ so với tháng trước); thiệt hại: làm chết 46 người (giảm 27 người), bị thương 78 người (giảm 25 người).
Cháy nổ, cứu nạn cứu hộ: xảy ra 02 vụ (giảm 03 vụ so với cùng kỳ.
* Đánh giá
Trong quý I/2023, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trên các ngành, lĩnh vực; tập trung làm việc với các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thị trường bất động sản, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Phối hợp các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân đón Tết; đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Sau Tết, các cơ quan, đơn vị chủ động, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác và xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên. Tình hình kinh tế - xã hội phát triển tương đối ổn định trên các ngành, lĩnh vực.
- Hàng hóa được cung ứng đảm bảo nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, phòng, chống dịch và mặt hàng xăng dầu. Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thu, chi ngân sách đảm bảo theo dự toán; nợ xấu ngân hàng thấp. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong thẩm định giá đất để triển khai các dự án đầu tư.
- Thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường; thu chi ngân sách đảm bảo theo dự toán. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục duy trì mức tăng ổn định. Kịp thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện và chuẩn bị phương án, thủ tục đầu tư các công trình giao thông trọng điểm.
- Trong dịp Tết, Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để chăm lo vật chất và tinh thần cho các đối tượng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động đã trở lại hoạt động ổn định sau Tết. Các hoạt động chào mừng năm mới, Tết Nguyên đán, lễ hội được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, nhân văn, nghĩa tình.
- Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm thông thường được kiểm soát; Vùng thông minh Bình Dương tiếp tục được vinh danh Top 21 Cộng đồng thông minh thế giới (ICF).
- Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; người dân, doanh nghiệp từng bước tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cao hơn. Khẩn trương triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thành tốt công tác giao quân; tấn công trấn áp các loại tội phạm được triển khai đồng bộ, hiệu quả; phòng chống cháy nổ và cứu hộ cứu nạn được tập trung thực hiện. Hoạt động đối ngoại, hợp tác đầu tư, hợp tác hữu nghị với các địa phương và các bên đối tác nước ngoài được duy trì tích cực.
Những khó khăn, tồn tại
- Tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn do xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát ở các nền kinh tế, lãi suất vẫn còn cao trong khi nhu cầu tiêu dùng, sức mua còn yếu, tiếp tục ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam và tỉnh trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.
- Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao. Thu ngân sách tuy đảm bảo dự toán nhưng thu từ lĩnh vực xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ.
- Hoạt động của một số doanh nghiệp chậm lại nên phải hoạt động cầm chừng, tạm dừng hoạt động và cắt giảm lao động; thu hút vốn đăng ký kinh doanh, đầu tư nước ngoài giảm mạnh. Các vướng mắc trong đầu tư công được tập trung chỉ đạo tháo gỡ tuy nhiên tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh còn hạn chế; cải cách thủ tục hành chính có sự chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.
- Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường nhưng một số đơn vị còn thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; tinh hình an ninh trật tự cơ bản ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Phần thứ hai
Nhiệm vụ trọng tâm quí II năm 2023
1. Tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chỉnh phủ, HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội; các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tập trung chuẩn bị sơ kết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và các chương trình đột phá của Tỉnh ủy.
2. Rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, có giải pháp duy trì xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Triển khai hiệu quả Đề án di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ở phía Nam lên phía Bắc và sắp xếp, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sau khi di dời.
3. Tiếp tục lập Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 – 2025) tỉnh; thực hiện các khu tái định cư khu vực phía Nam và phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất đủ điều kiện. Hoàn thiện các quy định về: chính sách, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đơn giá xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; ban hành đơn giá định giá đất cụ thể; hoàn thiện dữ liệu đất đai, tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án.
4. Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và chính sách khuyến khích hỏa táng; xử lý khu điểm nhà ở tự phát, xử lý chống ngập; xây dựng đề án huy động nguồn lực thực hiện chương trình đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang các đô thị, nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường hẻm.
5. Hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đường vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; triển khai dự án Vành đai 3; đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các vị trí kết nối với thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh; đẩy nhanh tiến độ bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Kiểm tra tiến độ đầu tư dự án các công trình trọng điểm, hướng dẫn các trung tâm đăng kiểm duy trì hoạt động.
6. Tổ chức thu đúng, thu đủ, kịp thời, khai thác hiệu quả các nguồn thu còn dư địa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên. Có giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Chuẩn bị tổ chức công bố đưa vào sử dụng một số hạ tầng giao thông trọng điểm, khởi công xây dựng khu nhà xưởng xây sẵn và khởi động, khởi công một số công trình quan trọng (Vành đai 3, Vành đai 4, trường Chính trị tỉnh).
7. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Tổ chức tốt hoạt động chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm trong quí II/2023. Tăng cường đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
8. Chủ động phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Bệnh viện đa khoa 1.500 giường đi vào hoạt động; Đề án “Phát triển tổng thể ngành Y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; giải quyết các vướng mắc trong mua sắm tập trung.
9. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công tác phối hợp, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu đến tháng 6/2023 không giải quyết hồ sơ giấy. Tiếp tục rà soát, xử lý những tồn đọng tại các khu đô thị, khu dân cư gây bức xúc trong nhân dân; chuẩn bị các điều kiện tổ chức lễ công bố và đưa thành phố Tân Uyên đi vào hoạt động.
10. Chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ và đề án camera giám sát giao thông, an ninh trật tự. Chuẩn bị các điều kiện cho hợp tác hữu nghị, xúc tiến đầu tư, thiết lập quan hệ, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bình Dương với một số địa phương./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét